Kỹ thuật trồng chè của người dân xã La Bằng

5/5 – (1 vote)

a. Chọn vùng đất để trồng chè

Cần chọn những vùng đất phù hợp với đặc điểm sinh trưởng của cây chè. Vùng đất phù hợp có độ dốc khoảng dưới 25o, nhằm đảm bảo khi trời mưa thoát nước nhanh, không bị úng và khi nắng giữ được độ ẩm cần thiết cho cây chè. Đất trồng chè có tầng canh tác dày trên 80 cm, độ mùn trên 2%, thích hợp với đất thịt nhẹ đến đất thịt nặng, kết cấu tơi xốp, dễ làm đất.

b. Thiết kế đồi chè

Thiết kế đồi chè là phân chia đồi chè ra làm nhiều lô, trên mỗi lô chè xác định được các hàng chè sao cho đáp ứng được yêu cầu kĩ thuật. Hiện nay, cây chè được trồng hầu hết ở các quả đồi trong xã, nhà ở dân cư tập trung dưới chân đồi để thuận tiện cho việc chăm sóc chè.

Tùy theo diện tích và địa hình cụ thể mà chia đồi chè ra làm nhiều lô khác nhau. Mỗi lô tối thiểu rộng khoảng 20 – 30 hàng chè, dài khoảng 50 – 100m; tối đa rộng khoảng 40 – 50 hàng chè, dài khoảng 100 – 150m. Giữa các lô có đường đi rộng khoảng 50 cm để tiện chăm sóc chè, nhưng đường đi lại này thường để cỏ mọc tự nhiên nhằm hạn chế xói mòn hay trơn trượt.

Hàng chè là đơn vị nhỏ nhất trong đồi chè, việc bố trí các hàng chè có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh tế cũng như tuổi thọ của cây chè. Các đồi chè ở Xã La Bằng có độ dốc tương đối cao nên hiện nay các nông hộ thường trồng chè theo đường đồng mức, mặt hàng chè được san bằng để hạn chế xói mòn, ở một số nương chè có độ dốc thấp và tương đối bằng phẳng, chè được trồng theo kiểu hàng thẳng. Một số nông hộ cũng trồng theo kiểu ruộng bậc thang để trồng chè, hạn chế tối đa sự xói mòn rửa trôi.

Hiện nay, đường từ các nông hộ vào các vùng chè hầu hết đã được trải bê tông, chỉ còn khoảng 2 km đường ven đồi dẫn từ Xóm Kẹm vào đồi chè của xóm đang được sửa chữa. Hệ thống đường bê tông thuận lợi cho quá trình đi lại chăm sóc, vận chuyển phân bón, thu hoạch chè. Trên đồi chè, người dân đều bố trí đường đi lại giữa các lô chè, quanh các đồi chè… Đường đi ở trên các đồi là lối mòn để cỏ mọc tự nhiên, có các cây bóng mát. Trên các đồi chè xây dựng bể chứa nước để pha thuốc trừ sâu bệnh và cỏ dại, có thêm hệ thống vòi phun để tưới nước giữ ẩm cho chè vào mùa khô. Nước được dẫn từ các khe nước ngầm trên núi về bể bằng hệ thống vòi. Hệ thống thoát nước trên các đồi chè là các rãnh nhỏ xung quanh đồi. Dưới chân đồi người dân thường giữ đất bằng cách xây kè đá hoặc để cây cỏ mọc tự nhiên.

c. Cách trồng chè

* Thời vụ trồng: Người dân thường trồng chè trung du vào khoảng tháng 8 – 9 khi có mưa ngâu, trồng chè cành vào khoảng tháng 2- 3 khi có mưa xuân. Vào những giai đoạn này, mưa không quá to ít gây xói mòn, trời mát, độ ẩm cao thuận lợi cho cây chè sinh trưởng và phát triển.

* Làm đất: Trước khi trồng chè người dân tiến hành phát sạch cỏ dại, gom thành đống, để khô và đốt. Đất phải được làm kĩ, sạch, san ủi những nơi có độ dốc cao để tránh xói mòn rửa trôi, sau đó tiến hành rạch hàng.

* Mật độ trồng chè: Trước đây khi chưa được tập huấn về cách trồng và chăm sóc chè một cách bài bản, người dân thường trồng theo kinh nghiệm, có những hàng cách nhau rất rộng (khoảng hơn 150 cm) nên không tận dụng được quỹ đất, có hàng lại rất hẹp (chỉ khoảng 50 cm). Qua nhiều năm, chất lượng đất bị giảm kéo theo sự giảm sút về năng suất và chất lượng cây chè. Hiện nay, được sự quan tâm của các cấp ngành, kỹ thuật trồng và chăm sóc chè đã được phổ biến đến từng hộ dân trong xã. Người dân trồng chè với khoảng cách hàng cách hàng từ 1 – 1,2 m và khoảng cách giữa các cây là khoảng 35 – 40 cm. Khoảnh cách này đảm bảo cho cây chè được nhân đều nhau về dinh dưỡng, thuận lợi cho quá trình bổ sung chất dinh dưỡng cho chè và cải tạo đất, đem lại hiệu quả kinh tế và sinh thái lâu dài.

* Cách trồng chè:

– Đối với chè hạt: Trồng chè hạt phải đặc biệt chú ý đến khâu chuẩn bị hạt giống vì đặc điểm của hạt chè là dễ mất sức nảy mầm và không bảo quản được lâu. Tiêu chuẩn để chọn hạt giống chè tốt là hạt to, chín, chắc, nặng, tỷ lệ nảy mầm trên 70% và hàm lượng nước trong hạt khoảng 25 – 30%. Trước khi gieo  cần xử lý hạt để xúc tiến quá trình nảy mầm, hạt nảy mầm đồng đều, cây khỏe mạnh. Hạt giống được ngâm nước 12 giờ trước khi gieo, có thể gieo ngay hoặc ủ trong cát cho nứt rồi đem gieo. Rãnh chè đã được bón lót và lấp đất: rạch sâu 10 cm, gieo 4 – 6 hạt/hốc, lấp đất sâu 3 – 4 cm, theo khoảng cách đã qui định giữa các hàng và các cây. Khi chè con mọc thì tiến hành tỉa cây xấu, còn 2 – 3 cây/hốc, tủ cỏ rác giữ ẩm. Hiện nay, trên địa bàn Xã La Bằng chủ yếu trồng giống chè cành, giống chè trung du được trồng từ rất lâu, có độ tuổi trung bình khoảng 20 – 40 năm, thường thì người dân chỉ trồng chay và không tủ gốc cho chè. Cách trồng truyền thống này không những không bổ sung chất dinh dưỡng cho chè ngay từ đầu mà còn gây xói mòn và thoát hơi nước từ đất.

– Đối với chè cành: Trong sản xuất chè, ngoài phương pháp trồng chè bằng hạt ra còn có khả năng trồng chè bằng phương pháp vô tính, tức là dùng các cơ quan dinh dưỡng để gây thành cây con rồi đem trồng. Phương pháp này hiện đang được nhân rộng tại Xã La Bằng.

Phương pháp trồng chè bằng cành có những ưu điểm nổi bật như sau:

+ Diện tích trồng chè mới của xã ngày càng được mở rộng. Khó khăn trước hết là vấn đề thiếu hạt giống, khả năng cung cấp hạt giống từ những nương chè trong người dân còn ít so với yêu cầu sản xuất. Trồng chè bằng cành có khả năng giải quyết nhu cầu về giống vì hệ số nhân giống bằng cành rất cao.

+ Phương thức thụ phấn của chè chủ yếu là thụ phấn khác hoa, do đó hạt chè thường bị tạp giao, những đặc tính tốt của cây mẹ không giữ được. Trồng chè bằng cành khắc phục được nhược điểm đó, chất lượng chè sẽ tốt hơn, giá thành cao hơn..

+ Mặt khác do trồng chè bằng cành, qua quá trình chọn lọc sẽ tạo được một quần thể rất đồng đều ngoài sản xuất, tạo điều kiện thâm canh, chuyên canh đạt năng suất cao.

 Tuy nhiên phương pháp trồng chè bằng cành cũng có những nhược điểm nhất định như kỹ thuật giâm cành và quản lý chăm sóc tỷ mỷ tốn nhiều công, giá thành sản xuất cây giống cao, khối lượng vận chuyển giống khi trồng lớn. Hiện nay, Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn của huyện cũng như hội khuyến nông ở xã cũng đã tiến hành hỗ trợ người dân về giống chè cành, tạo điều kiện cho người dân nâng cao sản xuất.

Hiện nay tất cả các hộ dân trong xã đều được hướng dẫn về cách trồng và chăm sóc chè cành đúng kĩ thuật. Các rạch trồng chè rộng 40 cm, sâu 25 – 30 cm, rộng đáy 15 – 20 cm và các rạch cách nhau khoảng 1 – 1,2 m.

2016-01-09_232141

Một số ít gia đình bón lót bằng phân chuồng và lấp một lượt đất lên. Do lượng phân chuồng rất ít nên hầu hết các gia đình đều trồng chay và tiến hành bón phân từ giai đoạn cây chè non. Nửa tháng hoặc một tháng sau khi bón lót, người dân tiến hành đặt bầu chè. Hố chè rộng khoảng 30 cm, sâu khoảng 25 cm. Mỗi hố cách nhau 35 – 40 cm. Dùng dao nhỏ rạch bỏ túi nilon, tránh không bị vỡ bầu và đứt rễ cây con, đặt cây thẳng hàng xuôi theo chiều gió rồi lấp một lớp đất tơi xốp xung quanh hố. Mặt rãnh được san phẳng nhằm hạn chế xói mòn, mất đất do mưa, mặt rãnh thấp hơn mặt đất khoảng 5 – 10 cm. Sau khi trồng xong tiến hành các biện pháp giữ ẩm cho đất như tủ gốc, tưới nước.

* Tưới nước và tủ gốc cho chè:  Sau khi trồng, người dân phải tưới nước giữ ẩm cho chè. Việc tưới nước thường được thực hiện vào mùa khô, khoảng 2 lần/tuần. Hầu hết trên các đồi có độ dốc cao đều được xây dựng hệ thống bể chứa và vòi phun, tận dụng nước từ trong các khe núi. Đối với đồi chè tường đối bằng phẳng hoặc gần nhà, nước tưới sẽ được bơm lên từ ao hoặc suối. Có thể tủ gốc cho chè bằng rơm rạ, cỏ dại… để tăng độ ẩm, hạn chế cỏ dại và xói mò do mưa. Hầu hết người dân Xã La Bằng không tủ gốc cho chè sau khi trồng vì dễ làm cây chè non bị chết do nhiệt độ cao. Một số ít nông hộ tủ gốc cho chè bằng vỏ trấu, rơm, rạ. Đến khi đốn chè, vật liệu sau khi đốn được tận dụng làm vật liệu tủ.

d. Kỹ thuật trồng xen, trồng cây che bóng và trồng dặm cho chè

* Trồng xen: Trồng xen là kĩ thuật trồng các loại cây ngắn ngày như ngô, khoai, sắn, đậu tương… xen vào các khoảng trống giữa các hàng chè, nhằm tận dụng tối đa quỹ đất đem lại hiệu quả kinh tế. Sản phẩm sau thu hoạch của các loại cây này sẽ làm thức ăn cho người và gia súc, gia cầm; thân và rễ, lá cây làm vật liệu hữu cơ tủ gốc, tăng độ ẩm cho đất, hạn chế cỏ dại và chống xói mòn. Ở Xã La Bằng, người dân không thực hiện kỹ thuật trồng xen trong các nương chè. Tất cả các hộ dân đều tập trung chuyên canh, thâm canh cây chè đem lại hiệu quả kinh tế cao.

* Trồng cây che bóng: Biện pháp trồng xen một số cây che bóng có tác dụng: tán của cây chè và cây che bóng tạo nên một thảm thực vật ngăn cản quá trình bốc hơi nước, từ đó giảm lượng nước bốc hơi đồng thời ngăn cản gió, mưa là những nhân tố trực tiếp gây nên xói mòn, rửa trôi đất; Mặt khác, các cây che bóng họ đậu còn cung cấp một lượng đáng kể các chất dinh dưỡng cho đồi chè (nhất là đạm cộng sinh) cải thiện tính chất lý hóa của đất. Hiện nay trên các nương chè trong xã không có nhiều cây che bóng, chủ yếu là cây mọc tự nhiên trên đồi để che bóng cho người dân khi làm việc (cây xoan, cây muồng…) Đa số người dân khi được phỏng vấn đều cho rằng cây che bóng làm giảm năng suất, độ ngon của chè; các cây che bóng còn là nơi trú ngụ của các loại sâu bệnh hại chè.

* Trồng giặm cho chè: Trồng giặm là công việc quan trọng nhằm đảm bảo mật độ nương chè. Theo điều tra, lượng chè bị mất sau khi trồng ở các hộ gia đình không nhiều, thường dưới 10%. Sau khi trồng khoảng một tháng, người dân kiểm tra xem cây nào bị chết, tiến hành giặm ngay bằng giống dự phòng. Giống chè trồng giặm phải cùng tuổi với chè trên nương. Chọn những ngày trời râm mát, đất đủ ẩm để trồng giặm, giặm xong trời hạn phải tưới nước giữ ẩm cho chè. Đảm bảo cây trồng giặm không bị cỏ lấn át và sâu bệnh phá hại.

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *