Làng nghề với phát triển kinh tế và môi trường ở nông thôn

3/5 – (2 votes)

1. Khái niệm và tiêu chí xác định làng nghề
Thuật ngữ “Làng nghề” là các làng nông thôn Việt Nam có ngành nghề tiểu thủ công, phi nông nghiệp chiếm ưu thế về số hộ, số lao động và doanh số thu nhập so với nghề nông.
Làng nghề là một hình thức sản xuất công nghiệp nông thôn đặc thù. Nó vừa chịu sự chi phối theo kinh tế ngành, vừa chịu sự chi phối của kinh tế lãnh thổ (tính địa phương) như sự ràng buộc với vùng nguyên liệu, tập quán công nghệ trong sản xuất (các bí truyền), các quan hệ xã hội và truyền thống lâu đời của địa phương.
Hiện nay ở nước ta vẫn chưa có những tiêu chí cụ thể để xác định như thế nào được xem là làng nghề, nhưng nhìn chung đều thống nhất dựa vào các tiêu chí về giá trị sản xuất hay thu nhập của làng; dựa vào số lao động tham gia họat động và dựa vào loại hình sản phẩm do làng tạo nên. Cụ thể:
– Giá trị sản xuất và thu nhập từ nghề phi nông nghiệp ở làng nghề đạt trên 50% so với tổng giá trị sản xuất và thu nhập chung của làng nghề trong năm hoặc doanh thu hàng năm từ làng nghề ít nhất đạt 300 triệu đồng hoặc
– Số hộ và số lao động tham gia thường xuyên hoặc không thường xuyên, trực tiếp hoặc gián tiếp đối với nghề phi nông nghiệp ở làng, ít nhất 30% so với tổng số hộ và lao động ở làng nghề hoặc có ít nhất 300 lao động.
– Sản phẩm phi nông nghiệp do làng sản xuất mang tính đặc thù của làng và do người làng tạo nên (Đề tài KC.08.09)
Như vậy với các tiêu chí trên thì các làng nghề nói chung và làng nghề truyền thống nói riêng chủ yếu phát triển ở các vùng nông thôn đồng bằng. Sản phẩm của các làng nghề thường được gắn liền với tên làng, tên xã như gốm Bát Tràng, tranh Đông Hồ, bún Phú Đô, đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ,…

2. Vai trò của hoạt động làng nghề đối với sự phát triển kinh tế nông thôn
Các sản phẩm của các làng nghề hiện nay không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, mà còn được xuất khẩu, như hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ gia dụng…đã có mặt ở hơn 100 quốc gia trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này năm 1999 đạt khoảng 250 triệu USD; năm 2000 ước đạt khoảng 300 triệu USD và 10 tháng đầu năm 2005 đã đạt 459 triệu USD (theo số liệu của Bộ Thương mại, 2005).
Theo kết quả thống kê, tại các vùng nông thôn đồng bằng, hiện có khoảng 10 triệu lao động hoạt động ngành nghề phi nông nghiệp, chiếm 29,45% lực lượng lao động nông thôn. Các hộ, cơ sở ngành nghề nông thôn có quy mô lao động nhỏ. Ở các hộ bình quân có 3 – 4 lao động thường xuyên và 2 – 5 lao động thời vụ; ở các cơ sở bình quân có 27 lao động thường xuyên và 8 – 10 lao động thời vụ. Nhiều làng nghề đã thu hút trên 60% số lao động vào các hoạt động ngành nghề như làng nghề gốm sứ Bát Tràng, làng nghề gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, dệt Thuỵ Phương…. Các ngành nghề nông thôn phát triển đã kéo theo nhiều hoạt động dịch vụ liên quan, tạo thêm việc làm mới, thu hút thêm lao động. Do đó ngành nghề nông thôn được coi là động lực trực tiếp giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn.
Thu nhập bình quân của một lao động ở cơ sở ngành nghề nông thôn bằng 2 – 4 lần so với thu nhập bình quân của lao động nông nghiệp thuần. Ở các làng nghề không còn hộ đói, hộ nghèo chiếm tỷ lệ nhỏ và hộ giàu ngày càng tăng. Trên cơ sở tạo ra việc làm, tăng thêm thu nhập, ngành nghề nông thôn được coi là động lực để chuyển dịch cơ cấu xã hội nông thôn theo hướng tăng hộ giàu, giảm hộ nghèo, nâng cao phúc lợi cho người dân.
Các tỉnh có nhiều làng nghề như: Hà Tây, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hoá, Bình Định, Khánh Hoà, Bến Tre, An Giang, Bình Dương. Có những xã điển hình như xã La Phù, Hoài Đức, Hà Tây, toàn xã có 1.800 hộ thì hầu hết đều làm nghề (dệt len, sản xuất bánh kẹo và dịch vụ). Doanh số mỗi năm đạt 200 tỷ đồng, trong đó gần 150 tỷ đồng do xuất khẩu, nộp ngân sách Nhà nước 1,5 tỷ đồng và đóng góp vào ngân sách xã 1,3 tỷ đồng mỗi năm. Tạo sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hoá (trong đó nông nghiệp 25%, tiểu thủ công nghiệp – dịch vụ 75%).

3. Một số thuận lợi và tiềm năng phát triển của làng nghề
a. Thuận lợi
Lợi thế trong việc phát triển ngành nghề nông thôn là:
– Vốn đầu tư không đòi hỏi lớn nhưng giá trị làm ra không nhỏ, thời gian thu hồi vốn nhanh.
– Cơ sở hạ tầng không đòi hỏi cao như các ngành công nghiệp hiện đại, các khu công nghiệp tập trung, nhưng lại rất phù hợp với điều kiện kinh tế hộ gia đình ở nông thôn. Ở những nơi điều kiện địa lý phức tạp, vùng sâu vùng xa không thuận lợi trong việc phát triển công nghiệp quy mô lớn thì có thể phát triển tiểu thủ công nghiệp nông thôn.
– Về quản lý: phù hợp với trình độ quản lý của chủ hộ, chủ doanh nghiệp ở nông thôn.
b. Tiềm năng
– Nước ta với khoảng hơn 83 triệu dân là thị trường trong nước quan trọng nhất của làng nghề nông thôn, thị trường du lịch và thị trường xuất khẩu cũng là tiềm năng lớn, nhất là đối với các hàng thủ công mỹ nghệ và hàng chế biến nông sản nhiệt đới.
– Tiềm năng về lao động ở nông thôn Việt Nam tuy hiện nay còn hạn chế về trình độ chuyên môn kỹ thuật và kiến thức về thị trường nhưng lực lượng lao động nông thôn có những mặt mạnh cơ bản, cơ cấu lao động trẻ chiếm đa số, trình độ văn hoá cấp II trở lên chiếm 70%, cần cù, tiếp thu kỹ thuật nhanh và có tinh thần cộng đồng tốt.
– Nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất ở các làng nghề luôn có sẵn ở nông thôn, trước hết là sản phẩm từ nông lâm ngư nghiệp, các nguyên liệu phi nông nghiệp khác.
– Có nhiều làng nghề truyền thống bước đầu đã thích ứng nhanh với cơ chế thị trường để phát triển và mở rộng sản xuất
– Việc Việt Nam gia nhập WTO đang mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho phát triển làng nghề đặc biệt là các mặt hàng truyền thống.

4. Số lượng làng nghề
Một đặc thù điển hình của các làng nghề là tự phát, nên con số làng nghề cũng luôn biến động và phụ thuộc vào nhu cầu xã hội với một loại hình sản phẩm nhất định (khả năng cân đối giữa cung – cầu). Mặt khác trong báo cáo của một số địa phương thì thuật ngữ “làng nghề” còn được sử dụng rất tuỳ tiện, đôi khi dùng cho một làng nhưng là đại diện cho một số làng trong một xã hoặc đó là xã nghề, phố nghề. Nhiều địa phương không quan tâm tới tính chất về số lượng hoặc chất lượng của làng nghề, ví dụ như một làng nghề phải có bao nhiêu phần trăm số hộ tham gia hoặc có liên quan tới nghề, và giá trị sản lượng của nghề chiếm bao nhiêu phần trăm tổng giá trị sản lượng của cả làng… Một số làng vẫn được coi như là các làng thủ công truyền thống, tuy nhiên lại có rất ít hộ làm nghề này.
Theo số liệu gần đây nhất, hiện cả nước có 1450 làng nghề phân bố ở 58 tỉnh và thành phố trong cả nước, riêng địa bàn Đồng bằng sông Hồng có khoảng 800 làng. Các tỉnh có số lượng làng nghề đông bao gồm: Hà Tây có 280 làng, Thái Bình có 187 làng, Bắc Ninh có 59 làng, Hải Dương có 65 làng, Nam Định có 90 làng, Thanh Hoá có 127 làng. Theo ước tính, trong vòng 10 năm qua, làng nghề nông thôn Việt nam đã có tốc độ tăng trưởng nhanh, trung bình khoảng 8%/năm, tính theo giá trị đầu ra.

5. Đặc điểm làng nghề ở vùng nông thôn đồng bằng
Các làng nghề có những đặc điểm:
– Quy mô sản xuất nghề rất nhỏ (hộ gia đình, thôn, xóm). Các làng nghề thường có mật độ dân cư đông đúc, vì vậy thiếu mặt bằng sản xuất, các xưởng sản xuất thường xen kẽ với khu dân cư. Theo lẽ thường, các làng nghề càng phát triển mạnh thì càng thu hút nhiều lao động. Trước hết là lao động tại chỗ, con em các gia đình không phải ly hương tìm đường kiếm sống, thứ đến là làng nghề phát triển mạnh sẽ thu hút thêm lao động ở các vùng lân cận, làm cho mật độ dân cư của làng nghề đã lớn lại càng lớn hơn, trình độ quản lý yếu kém, thiết bị chắp vá lạc hậu, hoạt động thủ công là chủ yếu.
– Lực lượng lao động không phân biệt tuổi tác, giới tính, phần lớn có quan hệ gia đình dòng họ, được đào tạo theo kiểu kinh nghiệm “cha truyền con nối”. Do đó bên cạnh một số ít nghệ nhân và những người thợ có tay nghề cao, thì có đến 55% lao động tại các làng nghề chưa qua đào tạo, khoảng 36% không có chuyên môn kỹ thuật. Đối với các hộ kiêm (vừa sản xuất nông nghiệp vừa làm nghề), có tới 79% lao động không có chuyên môn kỹ thuật.
– Phát triển không theo quy hoạch, không ổn định, có tính thời vụ, thăng trầm phụ thuộc vào nhu cầu thị trường trong và ngoài nước và đặc điểm sản xuất.
– Làng nghề từ Bắc đến Nam có nhiều tính chất tương đồng về nghề, về sản phẩm, tính văn hoá nghệ thuật do hiện tượng di dân, di nghề và sự bành trướng tự nhiên của hiện tượng kinh tế – xã hội làng nghề.
– Trình độ công nghệ và các phương tiện sản xuất tại các làng nghề ở nông thôn còn lạc hậu, hạ tầng kỹ thuật rất thấp, chỉ khoảng 20% các cơ sở có nhà xưởng kiên cố, 86% có sử dụng điện, 37% công việc được cơ khí hoá còn lại tới trên 60% làm bằng tay. Hầu hết các hộ, cơ sở ngành nghề nông thôn còn sử dụng các loại công cụ thủ công truyền thống hoặc có cải tiến một phần. Trừ một số cơ sở mới xây dựng có công nghệ tiên tiến, đa số còn lại nhất là ở khu vực hộ gia đình, trình độ công nghệ lạc hậu, trình độ cơ khí còn rất thấp, thiết bị phần lớn là đơn giản không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, an toàn và do đó, nảy sinh nhiều vấn đề về vệ sinh môi trường.

6. Phân loại làng nghề
Dựa vào lĩnh vực hoạt động của làng nghề có thể phân ra:
– Làng nghề thuần ngư (thuỷ sản)
– Làng nghề thuần nông (nông lâm sản)
– Làng nghề thương mại, dịch vụ (kinh doanh, buôn bán…)
– Làng nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp (chế biến vật liệu xây dựng, chế biến lương thực, thủ công mỹ nghệ, dệt nhuộm…).
Dựa vào sản phẩm và phương thức sản xuất chính có thể phân ra:
– Làng nghề thủ công: Làm ra các mặt hàng sử dụng thường nhật như: dao kéo, mây tre đan gia dụng, chiếu… Đặc điểm của các làng nghề loại này là sản xuất thủ công bằng tay hoặc các công cụ đơn giản. Do chi phí ban đầu thấp nên loại hình này rất phổ biến.
– Làng nghề thủ công mỹ nghệ: Làm ra các mặt hàng có giá trị về văn hoá và trang trí như đồ mỹ nghệ trạm khảm, trạm khắc tượng gỗ, đá, đồ thêu ren và các đồ mỹ nghệ bằng bạc, chế biến mây tre đan, dệt thảm…
– Làng nghề công nghiệp: Sản xuất các hàng hoá thành phẩm và bán thành phẩm như sản xuất giấy, dệt, may mặc, gốm sứ, tái chế nhựa, kim loại, thuộc da…
– Làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm: Chế biến các loại nông sản như xay xát, sản xuất miến dong, bún, bánh, sản xuất bia, giết mổ vật nuôi, nấu rượu, chế biến hoa quả…
– Làng nghề sản xuất và cung ứng nguyên vật liệu: Sản xuất vật liệu xây dựng như gạch, ngói, vôi, cát…
– Làng nghề buôn bán và dịch vụ: Thực hiện bán buôn, bán lẻ và cung cấp dịch vụ, ví dụ như làng nghề Đình Bảng (Bắc Ninh) và Ninh Hiệp (Hà Nội).

7. Tính chất của làng nghề
a. Tính định lượng:
– Ngành nghề phi nông nghiệp do làng sản xuất mang tính đặc thù của làng hoặc do người dân ở làng tham gia.
– Số hộ và số lao động tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp đối với nghề chiếm ít nhất 30% tổng số hộ hoặc số lao động của làng.
– Giá trị sản xuất và thu nhập từ nghề chiếm ít nhất 50% tổng giá trị và thu nhập chung của làng.
b. Tính truyền thống:
Xét về bản chất thì các làng nghề ở nông thôn đồng bằng là những cộng đồng làng xã lâu đời với mối liên quan chặt chẽ về kinh tế, văn hoá truyền thống, phong tục, tập quán xã hội giữa cá nhân và cộng đồng, gia đình và họ hàng… nên có những nét truyền thống riêng như:
– Tính truyền thống làng xã,
– Truyền thống nghề nghiệp (cha truyền con nối)
– Truyền thống cá nhân (tự hào về tài năng, sự khéo léo, tính nghệ thuật, mức độ tinh xảo của sản phẩm),
– Truyền thống về nguyên liệu, thị trường, lễ hội, hương ước, tập tục nghề, ông tổ nghề…
đã tạo cho các làng nghề, đặc biệt là các làng nghề truyền thống có sự khác biệt với các làng thuần nông, thuần ngư, thuần thương.
c. Tính hiện đại:
– Thể hiện qua sự cải tiến và hoàn thiện không ngừng công nghệ, kỹ nghệ, thủ pháp, cách truyền nghề…
– Theo nhu cầu xã hội nhiều làng nghề mới xuất hiện tạo nên sự đa dạng hoá làng nghề, sự phát triển từ hình thái tổ chức đơn giản quy mô gia đình đến doanh nghiệp, hiệp hội… sự thay đổi và đổi mới về nguyên liệu, thị trường…
– Thể hiện qua các quy luật phát triển tất yếu của làng nghề theo quá trình phát triển xã hội để phù hợp với thời hiện đại, với cơ chế thị trường.
d. Tính vật chất: Thể hiện qua các tiêu chí đánh giá nội dung, quy mô và mức độ phát triển kinh tế xã hội như tổng sản phẩm, tổng thu nhập, cơ cấu lao động, cơ cấu sở hữu kinh tế, nguyên liệu, thị trường, vốn, mức sống trung bình…
e. Tính văn hoá và tinh thần: Thể hiện qua giá trị sản phẩm, giá trị tinh hoa, sự độc đáo, đặc sắc, khác biệt của văn hoá, văn minh Việt Nam so với các nước khác trên thế giới hoặc chất lượng đời sống và tinh thần của dân làng nghề.
f. Tính lao động: Tập trung vào quy mô và mức độ phát triển của nguồn nhân lực lao động, trình độ tay nghề, đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi, khả năng tiếp thu trí thức, kỹ thuật mới.
g. Tính phát triển bền vững: Tập trung vào tiềm năng và năng lực phát triển bền vững của làng nghề, môi trường tự nhiên, văn hoá, kinh tế, xã hội của làng nghề.

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *