Ứng dụng công nghệ trong hoạt động điều tra/nghiên cứu cơ bản tài nguyên môi trường biển Việt Nam: triển vọng và thách thức

5/5 – (1 vote)

TS. Dư Văn Toán

Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường

125 Trung Kính, Hà Nội

 

TÓM TẮT

Trong bài báo này tác giả tóm tắt tình hình điều tra/nghiên cứu cơ bản biển của thế giới và Việt Nam, phân tích lý do và sự cần thiết của điều tra cơ bản-nghiên cứu biển và đề xuất một số ý kiến nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong điều tra cơ bản-nghiên cứu biển ở Việt Nam. Tình trạng điều tra cơ bản-nghiên cứu biển và đảo của Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn, chúng ta chưa có hạ tầng cơ sở và đội ngũ nghiên cứu tầm cỡ thế giới, trên diễn đàn quốc tế vắng bóng các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu về biển đảo. Việt Nam cũng chưa có được các cơ sở dữ liệu quốc gia đầy đủ chính xác dùng chung về biển đảo để phục vụ cho chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh quốc phòng. Thế kỷ 21 toàn thế giới tiến ra đại dương, Việt Nam chúng ta cần sớm có học thuyết phát triển biển quốc gia nói chung và về vấn đề điều tra cơ bản-nghiên cứu biển nói riêng. Để có được những thành tựu trên chúng ta cần phải có Bộ dữ liệu biển nền chuẩn của quốc gia, dùng chung cho các ngành kinh tế biển, đồng thời dùng cho việc hoạch định  chính sách quản lý biển quốc gia và trao đổi liên thông quốc tế. Việc xây dựng Bộ dữ liệu biển quốc gia sẽ phải dựa trên số liệu của các hoạt động điều tra cơ bản-nghiên cứu biển quốc gia và trao đổi với các Trung tâm dữ liệu biển toàn cầu.

 

I. MỞ ĐẦU

Để hiểu biết và nắm rõ hơn về tầm quan trọng của các hoạt động điều tra cơ bản về biển (các công nghệ-thiết bị điều tra khảo sát phục vụ nghiên cứu cơ bản về thiên nhiên biển), chúng ta tóm tắt sơ lược về lịch sử phát triển của nó trên thế giới. Tại Việt Nam thì lịch sử phát triển mạnh nhất về điều tra cơ bản biển là khoảng 100 năm gần đây tương ứng với giai đoạn 5 của thế giới, có vai trò quan trọng trong việc tạo ra Bộ cơ sở dữ liệu biển quốc gia phục vụ quy hoạch phát triển các ngành kinh tế biển, bảo vệ an ninh chủ quyền biển, đảo và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, cứu hộ-cứu nạn trên biển.

Thời gian dài từ thời cổ đại đến thời đại phát minh địa lý vĩ đại là thời tiền sử của ngành Đại dương học. Đặc điểm của thời gian này là giới thiệu những vùng biển đã được đi qua lại. Những nhà hàng hải tiên phong thời này là dân gốc Polynexia, Mã Lai, Crit, Ai Cập và Phi Nhi Kia. Họ đã có những khái niệm về hình dạng địa lý những vùng biển quen thuộc cùng với gió và dòng chảy. Những tài liệu đầu tiên chép tay và bản đồ về biển của người Hy Lạp và Rôm (Italia ngày nay). Họ lập nên tập kết quả về phân bố nước và đất trên Trái Đất và viết về nhiều hiện tượng vật lý ở biển. Gerodot (thế kỷ V trước công nguyên), Posidoni (thế kỷ V trước công nguyên), Plinhi bố (năm đầu sau công nguyên) đã miêu tả dao động thuỷ triều nước biển và tự tìm quan hệ của chúng với vị trí Mặt Trăng và Trái Đất. Aristotel chỉ ra sự khác biệt giữa nhiệt độ nước biển tầng mặt và tầng sâu. Như vậy các nhà khoa học cổ đại đã biết phần nào về địa lý và tính chất vật lý của đại dương, biển. Thời trung cổ người Ả Rập đã thực hiện những chuyến hàng hải đến Trung Quốc và Ấn Độ, dân Nóc-ma-nhi đến Greenlandia và bờ vùng Đông Bắc châu Mỹ, dân Nga đến biển Ba ren, Karxcoie. Họ đã mở rộng tầm nhìn địa lý của thời này nhưng chưa có biến chuyển về ngành nghiên cứu biển so với thời cổ đại.

Lịch sử phát triển của hoạt động điều tra cơ bản-nghiên cứu biển của thế giới đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Các hoạt động này được chia ra làm 5 giai đoạn chính như sau.

Giai đoạn thứ nhất – Giai đoạn đầu của điều tra cơ bản (ĐTCB) biển (thế kỷ 15 – bắt đầu thế kỷ 18). Đặc trưng cho giai đoạn này là tàu bè đi không phương hướng với mục đích chính là tìm kiếm đất mới và mục đích buôn bán, thương mại. Những khái niệm mới về biển, đại dương và địa hình thu được cùng với chuyến tàu đi. Các nhà hàng hải Bồ Đào Nha phát hiện ra dòng chảy Ca-na-ra, Gvi-ney, Ben-gen trong Đại Tây Dương. Năm 1513 ông Alminos – người Tây Ban Nha đầu tiên thông báo về dòng Golfstrim (Gulfstream). Cristofor Columb đã tiến hành quan sát trên dòng chảy giữa đại dương và dòng Bắc Passat. Tàu bơi ven bờ Đại Tây Dương châu Mỹ tìm thấy dòng Bra-xin và Gvi-an.

Giai đoạn 2 – Thời gian đầu thế kỷ 18 đến những năm 70 của thế kỷ 19, đây là giai đoạn nghiên cứu và khảo sát đại dương thế giới. Trong thời gian này đã tiến hành nhiều chuyến khảo sát biển, đại dương đặc biệt. Thành phần đoàn thám hiểm đi biển bao gồm cả các nhà bác học thực nghiệm khoa học tự nhiên. Những kết quả đáng kể đầu tiên mang lại là của nhà thám hiểm như Be-ring (năm 1728) và Be-ring cùng Chi-ri-cov (năm 1741) trên vùng biển Bắc Thái Bình Dương. Kết quả tương đối nhiều của ba chuyến khảo sát vòng quanh đại dương thế giơí của J.Cuca (1768 – 1779). Nhiều kết quả mới về vùng Tây Thái Bình Dương đem đến từ chuyến đi của Bu-gen-vin (1768) và La-pe-ru-za (1785 – 1788). Vào những năm 1803 – 1806 Kru-zen-stern và Li-si-an-ski đầu tiên xác định được nhiệt độ và trọng lượng riêng của nước biển tại các độ sâu khác nhau. Len-xo (1823 – 1826) – người đầu tiên xác định được hướng chuyển động nước sâu lạnh về phía xích đạo, nước ấm mặt về phía ngược lại. Trong giai đoạn này các thông tin về biển trước được chi tiết hóa và khẳng định lại. Lo-mo-no-xop (1760) đề nghị thực hiện phân loại băng đá đại dương và sơ đồ dòng chảy trên các đại dương. Mar-si-li (1725) cho xuất bản “Lịch sử vật lý biển” và đây được coi là ấn phẩm đầu về vật lý hải dương viết về nhiệt độ, trọng lượng riêng, màu sắc nước biển, về địa hình đáy và trầm tích biển. Mo-ri (1848) cho xuất bản “Tập bản đồ gió và dòng chảy” cho các vùng trục giao thông hàng hải. For-gam-mer (1865) lần đầu tiên xác định tương đối chính xác các thành phần muối nước biển.

Giai đoạn ba – Từ những năm 70 của thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, tiến hành khảo sát thám hiểm, nghiên cứu đại dương áp dụng những phương pháp nghiên cứu của ngành khoa học Hải dương học. Đầu tiên những nghiên cứu mang phong cách miêu tả – tức là thu thập số liệu thực tế và một phần nào giải thích các hiện tượng quan trắc thấy. Chuyến thám hiểm Hải dương học đầu tiên của các nhà khoa học Anh (1872-1876) dùng tàu Challenger nghiên cứu quan trắc tổng thể tại 362 trạm nước sâu trên khắp Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương. Khối lượng kết quả rất vĩ đại và đã được 70 nhà khoa học nghiên cứu trong vòng 20 năm. Kết quả khoa học thu được mang lại rất nhiều điều lý thú và bổ ích. Dit-mar tìm thấy sự ổn định không thay đổi của các thành phần muối nước biển. Me-rey và Re-na đưa ra phân loại trầm tích đáy biển. Ngoài ra trong thời gian thám hiểm cũng tìm thấy sự sống ở độ sâu 5000m.

Giai đoạn bốn – Giai đoạn phát triển bậc cao của hoạt động điều tra-nghiên cứu biển, đó là thời kỳ nghiên cứu chi tiết các đại dương và biển (thời gian đại chiến thế giới thứ nhất và thứ hai). Đặc trưng cho giai đoạn này nghiên cứu một cách có hệ thống. Các công trình đáng kể mang lại do tàu Na Uy “Mode” (1918 – 1920) dọc bờ các biển Bắc từ Na Uy đến Aliaska (Mỹ) và tàu “Dana” (1921 – 1922) trên Bắc Đại Tây Dương. Tàu Đức “Meteor” (1925 – 1937) đã thực hiện đo đạc hệ thống thường kỳ tại 14 mặt cắt của Đại Tây Dương và cho biết khái niệm tương đối chính xác về cấu trúc không gian các khối nước và sự hoàn lưu của chúng. Trong giai đoạn này các nhà Hải dương học đã chỉ ra các qui luật quan trọng về phát triển của các quá trình vật lý, hoá học, sinh học và địa chất diễn ra trong nước đại dương và vùng trên kề bờ, đáy và cả khí quyển trên biển.

Giai đoạn năm – Hiện nay, tập trung vào nghiên cứu vấn đề, chuyên môn cụ thể các biển, đại dương. Đó là nghiên cứu bằng phương pháp thám hiểm tổng hợp với việc ứng dụng công nghệ -máy móc hiện đại các công nghệ đo đạc hiện đại tự ghi, vệ tinh, radar, thí nghiệm và lý thuyết cho từng vấn đề lớn như dòng chảy, thủy triều, sóng, băng đá biển, âm học biển… Và trên thế giới đã xây dựng nhiều tàu biển chuyên nghiên cứu khoa học và thường xuyên quan trắc thời tiết biển trên đại dương thế giới. Thời gian này đã có rất nhiều phát minh Hải dương học. Những năm 60 phát hiện ra dòng chảy ngược nước sâu xích đạo. Crom-well (Mỹ) tại vùng xích đạo Thái Bình Dương, phía dòng Nam Passat đã tìm thấy dòng nước có kích thước (cao 300m và rộng 300km) hướng sang Đông có vận tốc 150 cm/s. Đó chính là dòng Cromwell. Trong thời kỳ này phát hiện ra dòng Lomonoxop, Atilo-Gvian, Angola. Một phát hiện quan trọng như trong khí quyển đó là các xoáy Sinop trên biển và ngoài đại dương. Và cũng xác định đước lớp mỏng bề mặt, kênh âm dưới nước, vũng và mô đáy biển.

II. THÀNH TỰU HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA CƠ BẢN – NGHIÊN CỨU BIỂN VIỆT NAM

Chúng ta có hoạt động điều tra cơ bản biển thuộc giai đoạn thứ 5 của thế giới– giai đoạn hiện đại, và Việt Nam hiện đã thông qua các giai đoạn sau:

2.1. Các chương trình điều tra tổng hợp biển thời kỳ thuộc Pháp theo các mặt cắt chuẩn quốc tế

Thực sự công việc triển khai quan trắc và điều tra nghiên cứu biển được bắt đầu từ thời kỳ thuộc Pháp với sự ra đời của Đài Quan trắc Khí tượng Vũng Tầu 1897 theo Quyết định của Toàn quyền Đông dương Paul Doumer sau kết quả Hội đồng Khoa học do Đại tá Hải quân Dou Zans, Tư lệnh Hạm đội Nam Kỳ làm chủ tịch theo. Cũng theo tài liệu ngành Khí tượng và Địa chất  Đông dương được hình thành từ Ban Kinh tế thuộc Phủ Toàn Quyền Đông dương do Tiến sỹ khoa học Capuytx Capus là Trưởng ban năm 1898. Tuy nhiên, ở Việt Nam, sự ra đời  Đài Thiên Văn Vật lý Địa cầu Phủ Liễn (1922) và viện Hải dương học Nha Trang (9/1922) gắn liền với mạng lưới quan trắc Khí tượng, Vật lý Địa cầu và khởi đầu cho công tác điều tra cơ  bản về biển Việt Nam. Mạng lưới quan trắc Khí tượng Hải văn trên toàn xứ Đông Dương được bắt đầu theo quyết định toàn quyền Paul Doumer.  Sự ra đời của viện Hải dương học Nha Trang gắn liền với các chuyến khảo sát biển bằng tầu nghiên cứu biển của Pháp. Từ khi thành lập cho đến 1945, Viện Hải dương học Nha Trang đã sử dụng tàu nghiên cứu biển De Lanessan và các tàu khác của hải quân Pháp thực hiện đo đạc, quan trắc theo các mặt cắt cố định với số lượng trạm phân bố trong vịnh Bắc Bộ, thềm lục địa Trung Bộ, Nam Bộ Việt Nam, vùng biển thuộc Campuchia, Thái Lan và vùng biển đông và nam Biển Đông. Các hạng mục đo đạc, quan trắc trong hệ thống mặt cắt được xây dựng từ tầng mặt tói tầng đáy là: Các yếu tố khí tượng tầng mặt, các yếu tố hóa lý nước từ tầng mặt tới tầng đáy, địa hình, địa chất, sinh vật nổi, sinh vật đáy và đánh bắt cá thí nghiệm.

Các kết quả đo đạc về dòng chảy ven bờ Việt Nam, và lưu lượng nước qua các eo biển lớn của Biển Đông với vùng nước Thái Bình Dương đã hình thành được bản đồ hoàn lưu nước Biển Đông và có được những kết luận quan trọng về hệ thống dòng chảy Bắc Nam đo ven bờ Việt Nam. Các quan trắc thực nghiệm về vật thể trôi của Wirtky (1930) thực hiện trên vùng Biển Đông đã đưa ra bản đồ dòng trôi tầng mặt trên toàn vùng Biển Đông. Giá trị của các kết quả quan trắc này hiện nay vẫn còn nguyên giá trị tham khảo trong nhiều công trình nghiên cứu.

Công việc đo đạc, khảo sát tổng hợp bằng tàu nghiên cứu biển theo các mặt cắt cố định đã được thực hiện bởi khá nhiều các nhà Hải dương học nổi tiếng như Krempf A, E Saurin v.v… Nguồn số liệu thu được trong giai đoạn này hiện vẫn được lưu trữ và khai thác có hiệu quả trong rất nhiều các công trình nghiên cứu khoa học ở Việt Nam.

Điều quan trọng cần nhấn mạnh rằng để có được các kết quả khoa học có giá trị cần phải dựa trên các bộ số liệu quan trắc có mức đảm bảo cao về chất lượng quan trắc và độ dài, tính liên tục của bộ số liệu đó. Có thể nói trước giai đoạn 1945 với sự có mặt của tàu nghiên cứu biển Pháp cùng với hệ thống mặt cắt chuẩn đã để lại những kết luận khoa học rất có giá trị về hoàn lưu nước, sinh vật và địa chất vùng Biển Đông và lân cận.

2.2. Các chương trình điều tra biển ở Miền Bắc và Miền Nam trước 1975

  • Các chương trình điều tra tổng hợp biển ở Miền Bắc

Do có điều kiện hợp tác nghiên cứu biển giữa Việt Nam với Trung Quốc và Liên Xô trước đây, các chương trình điều tra tổng hợp Vịnh Bắc Bộ đã được tổ chức thực hiện khá bài bản theo quy trình chuẩn phù hợp quốc tế. Chương trình điều tra tổng hợp Vịnh Bắc Bộ 1959 -1962 và Chương trình điều tra nguồn lợi cá đáy vịnh Bắc Bộ. Hai chương trình này đều do Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (Bộ Khoa học và Công nghệ ngày nay) chủ trì. Nội dung điều tra cơ bản tổng hợp bao gồm các yếu tố Khí tượng, Hải dương học với các lĩnh vực thủy hóa, địa chất biển, sinh vật nổi, sinh vật đáy, trứng cá v.v… trên phạm vi đồng bộ toàn Vịnh Bắc Bộ mô tả rất kỹ phân bố mùa các yếu tố.  Sản phẩm của các chương trình này là bộ Atlas vịnh Bắc Bộ tỷ lệ 1:200.000 mô tả các yếu tố thủy hóa động lực, địa chất biển và bộ sưu tập chuẩn sinh vật vịnh Bắc Bộ. Các kết quả điều tra khảo sát theo các mặt cắt đồng bộ không gian và thời gian đã để lại giá trị khoa học cho đến ngày nay.

  • Các chương trình hợp tác điều tra của các Bộ chuyên ngành với Liên Xô trước đây

Trong 2 năm 1960 -1961 Tổng cục Thủy sản Việt Nam kết hợp với Viện Hải dương học nghề cá Thái Bình Dương (TINRO) thực hiện 5 chuyến khảo sát theo Hiệp định ký giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Liên Xô trước đây. Kết quả hợp tác điều tra này ngoài việc đánh giá trữ lượng và khả năng khai thác cá vịnh Bắc Bộ còn đánh giá được mức độ biến động mùa của các yếu tố thủy hóa, động lực biển từ tầng mặt tới tầng đáy vịnh Bắc Bộ. Giá trị điều tra khảo sát đồng bộ theo không gian và thời gian theo các mặt cắt chuẩn đã đáp ứng được mục tiêu, sản phẩm của một chương trình khoa học.

  • Các chương trình điều tra biển ven bờ của các chuyên ngành

Có hai yếu tố cần được nhấn mạnh một là do kết quả hợp tác với Liên Xô và Trung Quốc các quy chuẩn, quy phạm điều tra khảo sát được tuân thủ nghiêm ngặt, các thiết bị chủ yếu là cơ học. Yếu tố thứ hai là cán bộ tham gia khảo sát, nghiên cứu với số lượng chưa nhiều song được đào tạo cơ bản về ngành nghề, đồng lương ổn định, tiêu cực xã hội rất ít. Các bộ số liệu được chỉnh lý và công bố rộng rãi hầu như không có việc mua bán số liệu.

Thời kỳ này phải kể đến các đơn vị nghiên cứu như Viện Nghiên cứu biển Hải Phòng, Nha Khí tượng với hoạt động của hệ thống trạm quan trắc cố định ven bờ, hải đảo và Phòng Hải văn Nghiên cứu, Khảo sát biển. Viện Ngiên cứu biển với các chương trình điều tra địa chất địa hình ven bờ vịnh Bắc Bộ (1976-1969), điều tra tổng hợp ven bờ Quảng Ninh – Hải Phòng (1971-1972) với các yếu tố Khí tượng Thủy văn, Địa chất, Thủy hóa, Sinh vật. Chương trình điều tra nguồn lợi và (1965-1975)…

 Các kết quả điều tra khảo sát trong thời kỳ này hiện vẫn đang được sử dụng khá rộng rãi. Các kết quả nghiên cứu này còn là nguồn số liệu quan trọng để phát triển nhiều luận án tiến sỹ khoa học của nhiều chuyên ngành được bảo vệ ở Liên Xô, Ba Lan và một số nước trong cộng đồng XHCN thời kỳ này.

  • Các chương trình điều tra nghiên cứu biển ở Miền Nam trước 1975

 Thời kỳ trước 1975, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa là thành viên chính thức của Tổ chức Hải dương học Liên Chính phủ IOC và Viện Hải dương học Đông Dương sau ngày thống nhất đất nước đổi tên là Viện Hải dương học Nha Trang là cơ quan chuyên môn đại diện. Sự kết nối quốc tế điều tra nghiên cứu Hải dương học vùng biển phía Nam đã được hình thành khá sớm.

Các chương trình điều tra khảo sát tổng hợp và nghiên cứu biển khu vực phải kể đến là Chương trình NAGA (1959-1961), CSK (1965-1967), các chương trình điều tra khảo sát nghiên cứu Hải hương học của Hải quân Hoa Kỳ, chương trình khảo sát nghề cá viễn duyên Nam Việt Nam (1968-1971) với sự tham gia của nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế. Phạm vi điều tra khảo sát và nghiên cứu Hải dương học của các chương trình này trải rộng Nam Biển Đông, Vịnh Thái Lan. Sau mỗi chương trình điều tra khảo sát đều có các kết qủa nghiên cứu được công bố.

 Các chuyến khảo sát, các trạm quan trắc khí tượng  Hoàng Sa, Trường Sa (1973), vùng biển Cam Ranh, vùng biển Côn Đảo (1965-1966) đã để lại những dấu ấn quản lý nhà nước Việt Nam tại đây.

 Có thể nói trước 1975 các chương trình điều tra nghiên cứu biển ở vùng biển phía Bắc cũng như ở vùng biển phía Nam được thực hiện với sự tham gia của quốc tế. Ở Miền Bắc với sự tham gia của Trung Quốc, Liên Xô cũ, ở Miền Nam là các chương trình quốc tế, khu vực. Quy mô điều tra khảo sát đồng bộ khá rộng, toàn bộ vịnh Bắc Bộ và khu vực biển Nam Biển Đông, vịnh Thái Lan. Các chương trình điều tra khảo sát này là nguồn số liệu của các bài báo, công trình kèm theo có giá trị khoa học cao, hiện nay vẫn được tham khảo rộng rãi.

2.3.  Hệ thống các chương trình điều tra nghiên cứu biển sau 1975

Sau thời kỳ thống nhất hai miền Nam Bắc 1975, từ năm 1977 đến nay Chương trình Điều tra nghiên cứu biển cấp Nhà nước đã trải qua gần 40 năm. 40 năm qua với 8 Chương trình có các tên gọi, mục tiêu, nội dung và sản phẩm ngày càng đa dạng và phong phú, gia tăng lực lượng tham gia hoạt động điều tra nghiên cứu biển. Chắc chắn Ban Chủ nhiệm Chương trình KC.09/11 -15 sẽ có những nghiên cứu đánh giá sâu sắc hơn về những thành quả cũng như các vấn đề cần cần xem xét về tổ chức của các chương trình này.

 Dưới đây là tóm lược tên gọi của 8 Chương trình biển giai đoạn 1977-2015 do Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước trước đây và Bộ Khoa học và Công nghệ hiện nay trực tiếp quản lý. Do khuôn khổ của bài viết chúng tôi không trích dẫn ra các mục tiêu, nội dung cũng như sản phẩm của từng Chương trình trong mỗi giai đoạn khác nhau.

– Chương trình Điều tra tổng hợp vùng biển ven bờ Thuận Hải- Minh Hải giai đoạn 1977-1980.

– Chương trình Điều tra tổng hợp biển và thềm lục địa Việt Nam, giai đoạn 1981-1985. Mã số 48.06.

– Chương trình Điều tra Nghiên cứu tổng hợp điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và một số vấn đề kinh tế xã hội biển phục vụ phát triển kinh tế biển, giai đoạn 1986-1990. Mã số 48B.

– Chương trình Khoa học Công nghệ cấp Nhà nước về Điều tra nghiên cứu biển, giai đoạn 1991-1995. Mã số KT 03.

– Chương trình Điều tra nghiên cứu biển, giai đoạn 1996-2000. Mã số KHCN 06.

– Chương trình Điều tra cơ bản và Nghiên cứu ứng dụng công nghệ biển, giai đoạn 2001-2005. Mã số KC.09.

– Chương trình Khoa học và Công nghệ biển phục vụ phát triển bền vững kinh tế xã hội, giai đoạn 2006-2010. Mã số KC.09/06-10.

– Chương trình Nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ phát triển quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển, giai đoạn 2011-2015. Mã số KC.09/11-15.

Ngoài ra còn có 3 chương trình quốc gia khác như Chương trình nghiên cứu biển của Tổng cục Khí tượng Thủy văn trước đây, Chương trình Biển Đông –Hải đảo thuộc Bộ Kế hoạch đầu tư và hiện nay là Đề án 47 (2007 đến nay) về điều tra cơ bản tổng hợp TNMT biển do Bộ Tài nguyên và Môi trường trực tiếp quản lý.

III. THÀNH TỰU VÀ THÁCH THỨC HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA CƠ BẢN – NGHIÊN CỨU BIỂN

Thành tựu:

– Hệ thống các Chương trình trình quốc gia về điều tra cơ bản-nghiên cứu biển đã xây dựng được mạng lưới hàng chục Viện, Trung tâm, Khoa/Trường Đại học cùng hàng ngàn nhà khoa học với các lĩnh vực liên quan đến biển ngày một phong phú.

– Các vấn đề kinh tế, xã hội và quản lý biển bảo vệ biển đã được cập nhật kịp thời. Các thông tin về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường vùng biển Việt Nam đã kịp thời phục vụ cho các hoạt động kinh tế, an ninh – an toàn trên biển. Hầu hết các Chương trình đều đề cập đến điều tra cơ bản, điều tra nghiên cứu biển. Tính chất hướng về điều tra khảo sát, điều tra nghiên cứu là hoàn toàn đúng đắn thể hiện đúng tính chất đặc thù của khoa học Trái Đất nói chung và khoa học biển nói riêng là phải dựa vào số liệu điều tra cơ bản, điều tra khảo sát chuyên đề, điều tra khảo sát định kỳ. Các kết quả, dữ liệu thu được tương đối nhiều về các yếu tố tự nhiên, môi trường biển.  Hợp tác quốc tế về điều tra cơ bản – nghiên cứu biển cũng đã có những bước tiến tốt.

– Các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ đã cung cấp luận cứ khoa học triển khai các đề án, dự án sự nghiệp kinh tế lĩnh vực biển và hải đảo về lập bản đồ địa hình đáy biển, hải đồ các vùng biển Việt Nam; điều tra địa chất khoáng sản biển nông ven bờ đến 100 m nước; khí hydrat và khoáng sản biển sâu đến 2500 m nước; điều tra, đánh giá về môi trường biển (nguồn thải, tải lượng chất thải); hệ sinh thái biển; nguồn lợi biển (thủy sản); quan trắc tổng hợp, điều tra định kỳ về khí tượng thủy văn biển; điều tra tổng hợp phục vụ quản lý dải ven biển; phục vụ xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển Việt Nam; điều tra tổng hợp một số đảo chính, quan trọng; một số vũng, vịnh ven biển; xây dựng cơ sở dữ liệu biển và hải đảo.

– Nhiều tiến bộ khoa học công nghệ đã được sử dụng, áp dụng, ứng dụng như: áp dụng các học thuyết về kiến tạo, sinh khoáng hiện đại trong điều tra địa chất khoáng sản (đo vẽ lập bản đồ địa chất và khoáng sản trên biển; thành lập các bản đồ địa chất Biển Đông…); ông nghệ phân tích ảnh viễn thám; công nghệ tin học; công nghệ địa vật lý mới, đặc biệt là các thiết bị, máy móc đo địa chấn trên trên biển; đo trọng lực độ chính xác cao; ứng dụng các phần mềm xử lý, phân tích tài liệu địa vật lý: địa chấn, sonar quét sườn; công nghệ định vị dẫn đường, đo sâu hồi âm đa tia; công nghệ khoan thổi; công nghệ phân tích mẫu trong phòng thí nghiệm; chế tạo và đưa vào sử dụng một số máy đo địa vật lý (từ, xạ phổ) trên biển. Chế tạo và đưa vào sử dụng một số thiết bị phục vụ điều tra địa chất khoáng sản biển ven bờ.

– Bước đầu nghiên cứu, tiếp thu công nghệ nước ngoài về điều tra, đánh giá khí hydrat và các khoáng sản biển sâu. Việc áp dụng, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ của nước ngoài và trong nước đã góp phần nâng cao trình độ công nghệ của lĩnh vực biển và hải đạo của Việt Nam, trong một số trường hợp đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Tuy nhiên, so với các nước phát triển nhất thì trình độ công nghệ của nước ta trong lĩnh vực biển và hải đảo còn ở mức rất khiêm tốn.

– Về phạm vi không gian của các Chương trình chủ yếu là ven bờ trải dài từ Bắc đến Nam bao gồm bờ tây vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan vùng lãnh hải Việt Nam, vùng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, tuy nhiên chưa bao quát đầy đủ đồng bộ vùng thềm lục địa cũng như vùng biển Việt Nam.

Thách thức

Chưa có Chương trình Khoa học – Công nghệ quốc gia trong điều tra – nghiên cứu tài nguyên môi trường biển 1 cách hoàn chỉnh – xuyên thời gian, do đặc thù ra biển, ngầm, đáy biển không thể đi bộ hay thuyền thúng ra được. Thế giới công nghệ biển đã cực kỳ phát triển và liên tục chinh phục biển sâu, biển xa, còn ta thì vẫn gần như dậm chân tại chỗ.

– Chưa hình thành được Mạng lưới điểm, tuyến, khu vực điều tra khảo sát quốc gia chung tính chất điều tra khảo sát là do các đề tài tự đề xuất cho phù hợp với mục tiêu nội dung nghiên cứu của từng đề tài trong từng Chương trình. Điều này không phù hợp với tính chất chung của một Chương trình điều tra cơ bản nghiên cứu biển theo nghĩa khoa học thuần túy. Việc điều tra chuyên đề theo lĩnh vực đưa về các đề tài đã làm khó cho công tác kiểm soát, rất có thể gây lãng phí vì mỗi đề tài chi phí cho công tác khảo sát này lên tới 30-45% tổng số kinh phí của mỗi đề tài.

– Chưa có quy hoạch Mạng lưới quốc gia các Viện, Trung tâm điều tra cơ bản-nghiên cứu biển chủ chốt, thiếu các chuyên gia đầu ngành trong hoạch định chính sách và đảm nhiệm nhiệm vụ ĐTCB quốc gia

– Các Chương trình đều kèm theo hệ thống các đề tài. Các đề tài đều có báo cáo tổng kết và nộp lưu trữ vào Cục Thông tin của Bộ Khoa học và Công nghệ. Tuy nhiên các ấn phẩm của mỗi Chương trình để lại báo cáo chung không thống nhất qua từng giai đoạn. Đặc biệt thiếu các bài báo đăng tải có giá trị khoa học quốc tế cũng như các giá trị khoa học ghi dấu ấn của từng Chương trình. Việc thiếu thông tin trao đổi chính thức đã dẫn đến hệ quả là có không ít đề tài sử dụng các kết quả điều tra khảo sát nghiên cứu trước đó không minh bạch. Nhiều đề tài đã thực hiện không tuyên truyền phổ biến được gây lãng phí cho Nhà nước.

– Do thiếu vắng vai trò quy hoạch chung về điều tra cơ bản-nghiên cứu biển của hệ thống 8 Chương trình Khoa học và Công nghệ biển dẫn đến không xem xét đến vai trò của hệ thống tàu điều tra khảo sát cũng như hệ thống thiết bị quan trắc đo đạc được sử dụng trong mỗi Chương trình. Đây cũng là một vấn đề quan trọng mấu chốt trong điều tra nghiên cứu biển Việt Nam.

– Do khó khăn về quản lý chung cũng như quan điểm chủ quyền bảo vệ lãnh hải, các Chương trình biển thiếu hẳn yếu tố hợp tác quốc tế về điều tra nghiên cứu biển. Điều này dẫn đến hệ lụy là kết quả nghiên cứu Hải dương học của Việt Nam rất khó đăng tải trong các tạp chí quốc tế có uy tín. Mặt khác vì Việt Nam thiếu tàu nghiên cứu biển đạt chuẩn quốc tế vì vậy các hợp tác quốc tế rất khó thành công do rất khó khăn trong thủ tục hành chính và hạn chế kinh phí thuê tầu nước ngoài.

– Thông tin kết quả, cơ sở dữ liệu biển quốc gia điều tra cơ bản-nghiên cứu biển từ các Chương trình không được công bố rộng rãi. Vì vậy, các nhà khoa học, nhà quản lý cũng như hoạt động các chương trình sau khó khăn trong việc tiếp cận, cập nhật thông tin, sử dụng các kết quả đã có.

– Việt Nam vẫn chưa có Trung tâm Dữ liệu biển Quốc gia và hầu như chưa có mối quan hệ với các Trung tâm Dữ liệu biển Quốc tế? Mà trước hết là các Trung tâm lớn như Trung tâm A ở Wasington (Hoa Kỳ), Trung tâm B ở Obnhinsk (Nga), Trung tâm C ở Australia và Trung tâm D ở ThiênTân (Trung Quốc) theo hệ thống quản lý và đánh giá của Tổ chức Khí tượng Thế giói (WMO) và Ủy ban Hải Dương học Liên Chính phủ (IOC), Tổ chức Thủy đạc quốc tế (IHO), Ủy ban liên chính phủ biển Bắc Thái Bình Dương (PICES),.. Việt Nam cũng chưa có nhiều mối quan hệ trao đổi dữ liệu và thông tin.

– Các công trình nghiên cứu để được đăng tải vào các tạp chí có chỉ số khoa học cao thì trước hết phải phải được làm rõ nguồn dữ liệu đưa vào, thiết bị và tầu quan trắc nào.

– Đề án Chính phủ 47 về điều tra tổng hợp tài nguyên môi trường biển đã đầu tư cho nhiều nội dung trong đó có 3 nội dung quan trọng là đề xuất với Nhà nước thành lập Trung tâm Dữ liệu biển Quốc gia, ban hành các Quy chuẩn Kỹ thuật thống nhất phục vụ cho điều tra nghiên cứu, dự báo biển trong điều kiện phát triển mạnh của khoa học, công nghệ hiện đại quốc tế và hình thành được Đội tầu nghiên cứu biển có tầm cỡ khu vực. Rất mong 3 nội dung này được công báo để các nhà Khoa học biển/Hải dương học Việt Nam tăng cường niềm tin vào sự nghiệp tiến ra biển, ra xa hơn nữa với những kiến thức, công nghệ hiện đại.

IV. ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRONG ĐIỀU TRA CƠ BẢN – NGHIÊN CỨU BIỂN

– Xây dựng Chiến lược khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia Điều tra/Nghiên cứu cơ bản tài nguyên – môi trường biển;

– Phát triển, chuyển giao công nghệ máy móc thiết bị hiện đại vào công tác điều tra tài nguyên môi trường biển Việt Nam.

-. Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và các nội dung hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên – môi trường biển.

– Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về Điều tra cơ bản tài nguyên – môi trư­ờng biển cấp quốc gia; rà soát phân công nhiệm vụ điều tra cơ bản giữa các Bộ, ngành và các địa phương ven biển; nâng cao vai trò, vị thế của chính quyền các địa phư­ơng trong nhiệm vụ quản lý vùng ven biển.

– Quy hoạch Hệ thống các tổ chức Viện, các Trung tâm về Điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển và hệ thống thíết  bị quan trắc, khảo sát-điều tra, tàu thuyền, hệ thống mạng lưới các điểm,  trạm quan trắc, điều tra biển, đảo.

– Đa dạng hóa các hình thức hợp tác với các nước phát triển trong lĩnh vực điều tra cơ bản tài nguyên – môi trư­ờng biển để tiếp nhận chuyển giao công nghệ, đồng thời tổ chức đào tạo lại, đào tạo mới, hình thành đội ngũ chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia khoa học đầu đàn, cán bộ quản lý nhà nước có trình độ cao về tài nguyên – môi trư­ờng biển.

– Bảo đảm và đa dạng hóa nguồn lực tài chính để thực hiện thực hiện điều tra cơ bản trong 1 thời gian dài 15-20 năm liên tục.

– Thiết lập cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát, đánh giá và giao nộp, lưu trữ số liệu điều tra cơ bản về tài nguyên môi trường biển.

– Hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên môi trường biển và trao đổi, liên thông với cơ sở dữ liệu biển toàn cầu. Sơm thành lập Đội tàu nghiên cứu-khảo sát biển  và mạng lưới quan trắc thường kỳ tài nguyên môi trường biển.

– Sớm hoàn thiện và đưa vào hoạt động Trung tâm Dữ liệu biển Quốc gia, thực hiện trao đổi các thông tin, dữ liệu về tài nguyên môi trường biển, đưa lên website dùng chung.

– Nhanh chóng có sự đổi mới về Tổ chức, Nội dung các Chương trình Điều tra Nghiên cứu biển Quốc gia phù hợp với Luật số 82 / 2015/QH13- Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo đáp yêu cầu trao đổi hợp tác quốc tế phục vụ phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chủ quyền quốc gia.

– Xây dựng hệ thống Bảo tàng tài nguyên môi trường biển tổng hợp quốc gia.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[01]. Dư Văn Toán. 2003. Các bước phát triển của Hải dương học, Tập san Địa cầu,, Hội Địa vật lý Việt Nam.

[02]. Nguyễn Lê Tuấn, Dư Văn Toán, Trần Bình Trọng, Lưu Thành Trung. Nghiên cứu khoa học về biển và hải đảo. Tạp chí Tài nguyên và Môi trường. 5/2015.

[03]. Đặng Ngọc Thanh (Chủ biên), 2001. Đánh giá tổng hợp kết quả thực hiện các chương trình điều tra nghiên cứu biển cấp Nhà nước 1977 -2000. Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.

[04]. Hợp tác quốc tế trong điều tra, nghiên cứu tài nguyên môi trường biển. Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hội thảo Khoa học. Hà Nội, 2011

………………………………………………………………………………….

Ngun: Trích dn t k yếu Hi ngh môi trường toàn quc ln th IV, B tài nguyên và Môi trường, Hà Ni, 29/09/2015

…………………………………………………………………………………..

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *