Công Tác Quản Lý Chất Thải Rắn Trên Địa Bàn Tỉnh Bình Dương

3/5 – (2 votes)

Nguyễn Hồng Nguyên –

Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương

………………………………………………………………………………………………….

I. GIỚI THIỆU CHUNG.

Bình Dương được tách ra từ tỉnh Sông Bé năm 1997 (gồm 01 thị xã và 6 huyện), có diện tích 269.443 ha với tứ cận tiếp giáp như sau: Phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước; Phía Nam giáp TP. Hồ Chí Minh; Phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai; Phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và TP. Hồ Chí Minh. Hiện tỉnh được phân chia thành 1 thành phố, 4 thị xã và 4 huyện, với tổng dân số là 1.873.558 người.

2015-10-29_221120

Bằng các chủ trương, chính sách phù hợp đối với từng giai đoạn phát triển của tỉnh, Bình Dương đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện trong phát triển kinh tế – xã hội, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã chuyển dịch đúng định hướng từ nông nghiệp là chủ yếu sang công nghiệp và dịch vụ[1]; GDP bình quân đầu người đã tăng 10,6 lần so với năm 1997[2]. Tính đến nay toàn tỉnh 18.828 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh, với trên 5000 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, trong đó có có gần 2000 doanh nghiệp đầu tư vào 27 khu công nghiệp và 6 cụm công nghiệp. Sự phát triển nhanh chóng của công nghiệp đã kéo theo sự gia tăng tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh, tính đến nay tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 76,9%;

Với tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa cao, Bình Dương phải đối mặt với nhiều vấn đề môi trường phát sinh từ quá trình phát triển như: sự gia tăng lượng chất thải (nước thải, khí thải và chất thải rắn); sự suy giảm chất lượng nguồn nước, đất, và khí. Kết quả thống kê cho thấy, so với năm 2010, tính đến thời điểm hiện nay lượng nước thải phát sinh đã tăng gấp 1,4 lần, tải lượng các chất ô nhiễm trong khí thải phát sinh tăng 1,2 lần và lượng chất thải rắn đã tăng 2,5 lần. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa là động lực, là cơ hội và cũng là thách thức đối với sự phát triển bền vững của tỉnh, đồng thời làm gia tăng áp lực đối với công tác quản lý bảo vệ môi trường. Trong khuôn khổ báo cáo này sẽ tập trung chủ yếu vào đánh giá tình hình quản lý chất thải rắn của tỉnh trong giai đoạn vừa qua.

II. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH.

2.1. Về xây dựng, hoàn thiện chính sách bảo vệ môi trường

 Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, trong giai đoạn 2005 – 2015, tỉnh Bình Dương đã ban hành trên 60 văn bản  nhằm cụ thể hóa các quy định của Trung ương, trong đó có khoảng 15 văn bản liên quan đến việc quản lý chất thải rắn[3], đặc biệt tỉnh đã ban hành quy hoạch tổng thể quản lý-xử lý chất thải rắn tỉnh Bình Dương đến năm 2030, trong đó quy hoạch 04 khu xử lý với tổng diện tích là 925 ha (bao gồm cả diện tích vùng cách ly), hiện 01 khu đã triển khai (Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương:100 ha) và 01 khu đang triển khai đầu tư (50ha).

Việc ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản pháp lý, các chương trình, kế hoạch, cơ chế chính sách đã giúp cho công tác quản lý nhà nước về môi trường nói chung và công tác quản lý chất thải rắn nói riêng trên địa bàn tỉnh đã theo đúng định hướng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

2.2. Hoàn thiện bộ máy tổ chức.

Việc kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý nhà nước cũng được chú trọng, hệ thống quản lý nhà nước đã hình thành từ cấp tỉnh đến cấp địa phương, nhiều tổ chức chuyên trách bảo vệ môi trường được thành lập như: Chi cục Bảo vệ môi trường, Trung tâm Quan trắc – Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường, Qũy Bảo vệ môi trường, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường;… được thành lập đã tạo điều kiện cho việc bổ sung, tăng cường nguồn lực làm công tác bảo vệ môi trường ở các cấp[4] và cơ sở vật chất để thực hiện các hoạt động về quan trắc môi trường, đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra môi trường và xử lý các trường hợp vi phạm. Chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường cũng được nâng lên thông qua các chính sách thu hút nguồn lực, cũng như liên kết tổ chức đào tạo tại chỗ[5], tính đến nay trong 296 cán bộ làm công tác quản lý môi trường thì đã có 34 cán bộ có trình độ thạc sĩ, 179 cán bộ là kỹ sư/cử nhân và 82 cán bộ có trình độ cao đẳng, điều này đã giúp cho công tác bảo vệ môi trường của tỉnh đạt được kết quả ngày càng tốt hơn.

2.3. Huy động nguồn lực tài chính, đầu tư cho bảo vệ môi trường

Trong giai đoạn 2005 – 2015 tỉnh đã huy động 6.168,856 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 3.717,476 nguồn vốn sự nghiệp môi trường 1.118,3 tỷ đồng và vốn ODA 2.788,3 tỷ đồng nhằm đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, trong đó vốn đầu tư cho Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương là 500 tỷ đồng (gồm 160 tỷ đồng vốn ODA, 340 tỷ đồng là vốn nhà nước do Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước và môi trường Bình Dương làm đại diện). Ngoài ra, 800 tỷ đồng vốn sự nghiệp môi trường (chiếm 70% vốn sự nghiệp môi trường) được sử dụng để chi cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải.

Nhằm huy động nguồn lực trong xã hội trong hoạt động bảo vệ môi trường, thời gian qua, tỉnh đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường. Tính đến nay trên địa bàn tỉnh đã có trên 300 doanh nghiệp hoạt động bảo vệ môi trường trong đó có trên 200 doanh nghiệp tham gia vào công tác thu gom chất thải rắn và 12 tham gia hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý chất thải chất thải nguy hại với mức đầu tư trên 200 tỷ đồng.

2015-10-29_222555

2.4. Ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ trong bảo vệ môi trường

 Việc ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ trong bảo vệ môi trường cũng được tỉnh chú trọng; trong giai đoạn 2005 – 2015 đã có 24 đề án, nhiệm vụ được tổ chức triển khai thực hiện trong đó có 06/24 tập trung vào nghiên cứu quản lý chất thải rắn bao gồm: Nghiên cứu xây dựng Quy hoạch chất thải rắn đô thị Bình Dương; Điều tra thống kê đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp quản lý CTR công nghiệp, chất thải nguy hại;Quy hoạch quản lý chất thải y tế; Đề án kiện toàn hệ thống tổ chức các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; Quy hoạch khu vực xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Bình Dương (Quy hoạch tổng thể quản lý – xử lý chất thải rắn tỉnh Bình Dương đến năm 2030); Kiện toàn mô hình hệ thống quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý cũng được đẩy mạnh, Ngành Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và đưa vào sử dụng cổng thông tin trực tuyến quản lý môi trường Bình Dương có thể cung cấp dịch vụ công mức độ 3. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường của các cơ sở sản xuất công nghiệp cũng đã được thiết lập và có thể truy cập trực tuyến, đến nay cấp tỉnh đã cập nhật xong cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp với 2.500 cơ sở sản xuất, cấp huyện đã cập nhật 1.200 cơ sở đạt 60% tổng số cơ sở sản xuất công nghiệp cần quản lý

2.5. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý chất thải rắn và hướng dẫn thực hiện các văn bản này

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên và môi trường luôn được chú trọng, ngày càng được đổi mới và đi vào chiều sâu. Các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, in ấn phổ biến văn bản pháp luật, tổ chức xét tặng và trao giải thưởng môi trường cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ môi trường… được thực hiện thường xuyên và ngày càng tăng về quy mô, chất lượng. Hoạt động tuyên truyền về chất thải rắn cũng được chú trọng, bên cạnh việc tuyên truyền về chất thải rắn định kỳ trong chuyên mục tài nguyên và môi trường trên báo Bình Dương và trên Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương, hàng năm tỉnh đều tổ chức phiên chợ tái chế, tái sử dụng chất thải trong dịp hoạt động hưởng ứng Ngày môi trường thế giới; Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn. Ngoài ra thông qua các hội đoàn thể, tỉnh cũng đã xây dựng 596 tổ tự quản môi trường tại các cấp cơ sở, hoạt động của các tổ tự quản chủ yếu là các hoạt động liên quan đến vệ sinh môi trường, thu gom chất thải trong dân cư và đô thị, điều này góp phần bảo vệ môi trường ngày một tốt hơn.

2015-10-29_222709

2.6. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong quá trình hoạt động quản lý chất thải rắn.

Hoạt động thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động quản lý chất thải rắn cũng được chú trọng và được lồng ghép trong trong kế hoạch, thanh, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp hàng năm; đối với cơ sở xử lý chất thải thì hàng năm đều tổ chức tiến hành thanh, kiểm tra theo kế hoạch. Trong 5 năm qua, tỉnh Bình Dương tiến hành thanh kiểm tra về bảo vệ môi trường được 4.545 đơn vị, xử phạt 1.315 đơn vị vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường với số tiền trên 40 tỉ đồng; trong đó xử lý vi phạm trong hoạt động quản lý chất thải chiếm khoảng 10% chủ yếu là các hành vi vi phạm về quản lý chất thải nguy hại như không đăng ký chủ nguồn thải, phân loại, lưu giữ, chuyển giao không đúng quy định,…

III. KẾT QUẢ QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN.

3.1 Đối với chất thải rắn sinh hoạt

Từ năm 2004, Bình Dương đã bắt đầu xúc tiến xây dựng khu xử lý theo đúng quy chuẩn quy định (Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương). Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của tỉnh, nhằm đảm bảo hạ tầng cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, năm 2009, tỉnh đã tiến hành rà soát và tiến hành đầu tư bổ sung các phương tiện vận chuyển cho các Công ty/Xí nghiệp công trình công cộng. Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 80 xe ép rác với công suất từ 4 -15 tấn, và 05 xe hooklift (trong đó có 15 thùng); 03 trạm trung chuyển và 01 trạm ép kín. Bên cạnh các hệ thống thu gom của các Công ty/xí nghiệp công trình công cộng, để thu gom rác thải sinh hoạt từ các hộ dân, hiện toàn tỉnh có khoảng 50 tổ gom rác dân lập và khoảng 70 đơn vị thu gom chất thải sinh hoạt từ các cơ sở sản xuất kinh doanh. Thông qua mạng lưới này hiện nay tỷ lệ thu gom chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đã đạt 90% tổng lượng phát sinh.

Về xử lý, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã đầu tư Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương với 08 hố chôn có tổng diện tích 25,9 ha với công suất tiếp nhận 416.000 tấn/hố; 01 dây chuyền sản xuất phân compost với công suất 420 tấn/ngày  và hiện đang đầu tư xây dựng thêm 01 dây chuyền 420 tấn/ngày. Theo số liệu thống kê, hàng ngày tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt về Khu liên hợp khoảng 1000 tấn, trong đó làm phân compost khoảng 420 tấn, chôn lấp 520 tấn và tái chế 60 tấn (chủ yếu là nylon), điều này giúp cho tỷ lệ tái chế chất thải rắn sinh hoạt của tỉnh hiện nay đạt 48% góp phần giảm thiểu lượng chất thải cần chôn lấp.

3.2 Đối với chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại

Theo số liệu thống kê thì hiện nay toàn tỉnh Bình Dương hàng ngày phát sinh khoảng 5.280 tấn chất thải rắn công nghiệp trong đó có 342 tấn chất thải nguy hại, với tỷ lệ chất thải có thể tái chế, tái sử dụng chiếm khoảng 65% trên tổng lượng chất thải phát sinh.

Về công tác cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại

Công tác cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại được tập trung thực hiện trong giai đoạn từ 2008 – nay. Thông qua các hoạt động tập huấn, tuyên truyền, trả lời báo cáo giám sát môi trường và qua công tác thanh kiểm tra, số lượng sổ đăng ký chủ nguồn thải đều tăng dần theo từng năm, tính đến nay đã cấp được trên 3000 sổ đăng ký cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ (chiếm 70% đối tượng có phát sinh chất thải nguy hại); 30% còn lại là các doanh nghiệp thuộc đối tượng không phải đăng ký do có khối lượng phát sinh ít.

Việc thu gom, vận chuyển chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại

Công tác thu gom, vận chuyển chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh hiện nay diễn biến tương đối phức tạp. Việc quản lý các đối tượng này hiện nay đang gặp khó khăn do chưa có các quy định cụ thể về quản lý chất thải công nghiệp thông thường.

Theo số liệu thống kê cho thấy hiện nay có khoảng trên 250 đơn vị tham gia vào hoạt động thu gom chất thải rắn công nghiệp trong đó gồm các đơn vị có giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại; các cơ sở kinh doanh phế liệu (đây là đối tượng phức táp nhất) và một số doanh nghiệp sản xuất (thu gom một số chất thải đặc trưng như giấy, nhựa phục vụ cho nhu cầu sản xuất của đơn vị). Trong 250 đơn vị nói trên có 63% là các đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh, còn lại là các đơn vị đóng trên các địa bàn lân cận như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu.

Đối với chất thải nguy hại thì hiện nay có khoảng 48 đơn vị có giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại tham gia thu gom chất thải nguy hại, trong đó có 12 đơn vị có trụ sở trên địa bàn tỉnh, còn lại là các cơ sở đến từ các tỉnh như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Kiên Giang, Tây Ninh.

Thông qua đội ngũ thu gom, vận chuyển và xử lý này thì hiện nay 100% chất thải rắn công nghiệp, nguy hại được thu gom, xử lý.

Hoạt động xử lý chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh

Đối với chất thải rắn công nghiệp, các loại chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế phần lớn được các Chủ nguồn thải phân loại và bán cho các Công ty/Cơ sở kinh doanh phế liệu để bán cho các Công ty sản xuất trên địa bàn làm nguyên liệu sản xuất, một phần được bán qua các tỉnh lân cận để tái chế. Các loại chất thải công nghiệp không thể tái sử dụng, hiện nay một phần được đưa về đốt tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn của tỉnh, tại các Công ty xử lý chất thải nguy hại, một phần được chuyển giao cho các đơn vị có bãi chôn lấp chất thải công nghiệp tại Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Việc xử lý chất thải nguy hại, ngoài các đơn vị đóng trên địa bàn các tỉnh lân cận, hiện trên địa bàn tỉnh có 8 đơn vị đăng ký hành nghề quản lý chất thải nguy hại trong đó có 02 đơn vị đăng ký hoạt động xử lý chất thải đặc thù (01 xử lý tái chế ắc quy chì và 01 súc rửa, tái chế thùng phuy); 06 đơn vị còn lại đăng ký xử lý nhiều chất thải với các công nghệ đang được sử dụng phổ biến tại Việt Nam bao gồm: công nghệ đốt, xử lý bóng đèn, tái chế ắc quy, súc rửa thùng phuy, tái chế dung môi, tái chế nhớt, hóa rắn…, trong đó tổng công suất lò đốt trên địa bàn tỉnh hiện nay đạt 263,6 tấn/ngày. Riêng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương (diện tích 75 ha, đang mở rộng thành 100ha) đã đầu tư nhiều máy móc, thiết bị và đạt Công suất xử lý chất thải công nghiệp thông thường: 356,8 tấn/ngày; Công suất xử lý chất thải nguy hại là 135 tấn/ngày; Hố chôn lấp an toàn chất thải nguy hại; Lò đốt rác công nghiệp và chất thải nguy hại với khoảng 220 tấn/ngày và đầu tư các dây chuyền Sản xuất gạch tái chế từ tro thải và bùn thải không nguy hại với công suất 120.000 viên gạch nung/ngày và 1.000 m2 gạch tự chèn không nung/ngày;

2015-10-29_222748

IV. TỒN TẠI HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN CỦA CÁC TỒN TẠI, HẠN CHẾ.

Tồn tại, hạn chế

– Trong thời gian qua Hệ thống chính sách văn bản pháp luật chưa hoàn thiện còn thiếu các văn bản quy định về quản lý chất thải công nghiệp thông thường; quy định về trách nhiệm trong quản lý chất thải rắn của các ngành (xây dựng, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế) chưa rõ ràng dẫn đến chồng chéo và bất cập trong triển khai thực hiện;

– Nhận thức của cộng đồng đã được nâng lên, tuy nhiên ý thức tự giác bảo vệ môi trường chưa trở thành thói quen, nếp sống thường xuyên của một số người dân;

– Hệ thống thu gom, vận chuyển vẫn chưa phủ kín toàn địa bàn tỉnh đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa dẫn đến chưa thu gom được toàn bộ lượng chất thải sinh hoạt phát sinh; Phương tiện vận chuyển, trạm trung chuyển vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu

– Công tác thanh, kiểm tra đối với các đối tượng chủ nguồn thải chưa được tập trung, chưa có tiến hành các cuộc thanh, kiểm tra chuyên đề đối với chất thải rắn;

–  Chưa quản lý được đội ngũ thu gom, vận chuyển chất thải công nghiệp thông thường do còn thiếu các quy định pháp luật đối với đối tượng này;

– Chưa có công cụ để giám sát hoạt động của các đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại/chất thải rắn công nghiệp thông thường và cả một số chất thải rắn sinh hoạt trong doanh nghiệp do những đơn vị có trụ sở nằm trên địa bàn tỉnh bạn thực hiện;

Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế

Nguyên nhân khách quan: Từ thực tế phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh có thể thấy các tồn tại, hạn chế là bởi những nguyên nhân khách quan sau:

– Nguồn lực tài chính để đầu tư cho cơ sở hạ tầng và xử lý chất thải còn hạn chế, nhất là hạ tầng kỹ thuật về đô thị; khủng hoảng kinh tế trong thời gian qua đã làm hạn chế cho việc tập trung tài chính cho đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường;

– Thói quen, nếp nghĩ của người dân không thay đổi kịp với tốc độ phát triển kinh tế – xã hội và tốc độ đô thị hóa của tỉnh;

– Nhận thức của một số doanh nghiệp còn hạn chế về chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp;

Nguyên nhân chủ quan:

– Hệ thống chính sách, văn bản pháp luật về quản lý chất thải rắn của trung ương hiện vẫn chưa hoàn thiện và đồng bộ (chưa có các quy định về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường); quy định về chức năng nhiệm vụ của các Bộ, ngành trong công tác quản lý chất thải rắn còn còn phân tán, chưa tập trung về một đầu mối quản lý thống nhất;

– Tổ chức bộ máy quản lý môi trường các cấp đã được tăng cường nhưng vẫn chưa theo kịp yêu cầu quản lý, nhất là cấp cơ sở;

– Nhận thức của các cấp, các ngành đã được nâng cao nhưng trong chỉ đạo và điều hành đôi lúc chưa quyết liệt, chưa tập trung;

– Chưa phát huy đầy đủ vai trò và huy động sự tham gia toàn diện của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân, cũng như sự giám sát của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ môi trường do thiếu các quy định cụ thể về màu sắc, dấu hiệu đối với các xe vận chuyển chất thải công nghiệp để cộng đồng có thể nhận biết;

V. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ.

Để công tác quản lý chất thải rắn ngày càng đi vào chiều sâu và có hiệu quả, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường một số vấn đề sau:

– Sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý chất thải rắn trong đó đặc biệt về quản lý các đơn vị tham gia thu gom, vận chuyển chất thải công nghiệp thông thường để làm cơ sở để triển khai quản lý tại địa phương;

– Nhanh chóng triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu về chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại trong đó cần có các cơ chế chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa các tỉnh nhằm quản lý được hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý liên tỉnh;

– Hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm thúc đẩy công tác xã hội hóa quản lý chất thải rắn tiến tới xây dựng một nền kinh tế chất thải rắn (tổng thu đảm bảo bù chi) để giảm bớt áp lực về ngân sách dành cho quản lý chất thải rắn;

– Xây dựng và ban hành các tiêu chí, hướng dẫn kỹ thuật trong lựa chọn công nghệ đầu tư xử lý chất thải rắn theo các mức độ về trình độ, quy mô khác nhau để các địa phương có căn cứ lựa chọn tùy theo điều kiện phát triển kinh tế

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Công nghiệp – Dịch vụ – Nông nghiệp: 1997 (50,4% – 26,8% – 22,8%); năm 2014 (60,8% – 36,2% – 3%)

[2] GDP bình quân đầu người: 1997 (5,8 triệu đồng); năm 2014 (61,2 triệu đồng)

[3] Chỉ thị số 20/2007/CT-UBND ngày 06/6/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Quyết định số 04/2010/QĐ-UBND ngày 25/01/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc ban hành Quy định quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Quyết định số 2474/QĐ-UBND ngày 10/9/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch tổng thể quản lý-xử lý chất thải rắn tỉnh Bình Dương đến năm 2030; Quyết định số 3257/QĐ-UBND ngày 23/11/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Phê duyệt Đề án xử lý chất thải y tế tại tỉnh Bình Dương giai dpa5n 2011 -2015, định hướng đến năm 2020 và tầm nhìn 2025; Quyết định số 287/QĐ-UBND ngày 27/01/2014 phê duyệt Đề án kiện toàn mô hình hệ thống quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Bình Dương…

[4] Tổng số lượng cán bộ công chức làm công tác bảo vệ môi trường đã tăng 8,2 lần so với 2005 (2005: 36 CBCCVC; 2015: 296 CBCCVC)

[5] Giai đoạn 2012-2014, tỉnh đã phối hợp với Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường tổ chức đào tạo cao đẳng môi trường cho cán bộ môi trường cấp xã, đã có 56 cán bộ môi trường cấp xã được đào tạo thông qua chương trình này

………………………………………………………………………………………………….

Ngun: Trích dn t k yếu Hi ngh môi trường toàn quc ln th IV, B tài nguyên và Môi trường, Hà Ni, 29/09/2015

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *