Nguyên nhân gây suy thoái đất trồng chè ở Việt Nam

5/5 – (1 vote)

Hiện nay, ở Việt Nam cây chè đã được phân bố rộng trên phạm vi cả nước, hình thành lên nhiều vùng chè tập trung: vùng Tây Bắc (gồm Sơn La, Lai Châu), vùng Việt Bắc – Hoàng Liên Sơn (gồm Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai), vùng Trung du Bắc Bộ (gồm Phú Thọ, nam Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Bắc Giang, Thái Nguyên), vùng Bắc Trung Bộ (gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh), vùng Tây Nguyên (gồm Gia Lai, Kontum, Lâm Đồng). Những vùng trồng chè lớn chủ yếu trên các đất xám (Acrisols) phát triển trên phiến thạch sét, gơnai và mica, sa thạch, phù sa cổ và đất đỏ (Feralsols) phát triển trên bazan. Trong đó, cây chè trồng trên đất xám phát triển trên phiến thạch sét chiếm 60 – 75% diện tích, có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với yêu cầu sinh trưởng và phát triển [1].

Tính chất chung của đất trồng chè Việt Nam là có phản ứng axit từ chua đến chua nhẹ, pHKCl = 4 – 6, hàm lượng chất hữu cơ khoảng 1 – 2%, nghèo lân, kali, canxi, magiê và có hàm lượng sắt, nhôm cao. Ngoài ra đất trồng chè còn có thành phần cơ giới nặng, chủ yếu do được hình thành trên các đá mẹ giàu sét, cấu trúc kém và ít tơi xốp [5, 4, 1, 2].

Nhiều nghiên cứu cho thấy đất trồng chè của nước ta có hàm lượng chất hữu ở mức thấp và dao động rộng từ rất nghèo đến trung bình (thường < 2). Ở những vùng trồng chè có điều kiện khí hậu thuận lợi cho sự tích lũy chất hữu cơ và ít bị xói mòn rửa trôi thì hàm lượng chất hữu cơ đạt ở mức khá [4, 3].

Hàm lượng chất hữu cơ trong đất trồng chè có sự khác nhau rất rõ giữa các nhóm đất khác nhau. Theo Bùi Thị Ngọc Dung (2012), hàm lượng chất hữu cơ (OM) trong đất trồng chè Lâm Đồng ở mức rất nghèo đến nghèo và trung bình. Trong đó đất xám trên phù sa cổ 1,4 – 1,6%, đất xám trên mắc ma axit 1,0 – 1,6%, đất đen 2,5 – 3,0%, đất đỏ vàng 0,87 – 5,55%, đất đỏ nâu trên bazan 2,4 – 3,5% và đất nâu đỏ trên bazan 3,0 – 3,2% [9].

2016-07-26_095349

Tại các vùng đất trồng chè có đầu tư thâm canh cao như ở Phú Hộ (Phú Thọ), Tân Cương (Thái Nguyên), Lâm Đồng có thực hiện biện pháp che phủ lâu năm đất đều có hàm lượng chất hữu cơ ở mức trung bình khá đến rất giàu. Đối với những vườn chè quy mô hộ gia đình ở Yên Bái và Phú Thọ có mức đầu tư thấp thì hàm lượng chất hữu cơ đất chỉ ở mức nghèo đến trung bình. Theo Trần Thị Tuyết Thu (2012), hàm lượng chất hữu cơ trong 3 mô hình thâm canh cao, trung bình và thấp ở vùng trồng chè Tân Cương, Thái Nguyên là 4,13%, 3,63% và 2,76%. Hàm lượng chất hữu cơ trong đất trồng chè ở Khải Xuân, Phú Thọ có mức đầu tư trung bình dao động từ 1,8% đến 2,81% [10, 8, 19]. Cho thấy tự tích lũy hàm lượng chất hữu cơ trong đất trồng chè ở Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào kỹ thuật canh tác và hoạt động quản lý đầu vào cung cấp phân bón và nguồn chất hữu cơ cho đất.

Do đặc điểm canh tác trên đất dốc nên các vùng canh tác chè của nước ta đều đang trong tình trạng bị xói mòn, rửa trôi khá mạnh. Các chất dinh dưỡng, mùn bị mất đi làm cho lớp đất mặt mỏng dần và bạc màu. Vùng chè Việt Bắc – Hoàng Liên Sơn, vào mùa hè mưa lớn trên các sườn núi cao và trong thung lũng đã gây xói mòn rửa trôi mạnh, điển hình là các vườn chè trên sườn núi Tây Côn Lĩnh.

Tài liệu tham khảo

  1. Đoàn Hùng Tiến, Đỗ Văn Ngọc (1998), Tuyển tập các công trình nghiên cứu về chè, Nhà xuất bản Nông nghiệp Hà Nội.
  2. Duc Ho Quang (1994), “ Management practies and experiences with balanced nutrition for tea cultivation in Vietnam”, Proceeding of the International Semianar on Intergrated crop management in tea: Towards higher productivity, Colombo, Sri Lanka, p. 179 – 184.
  3. Đỗ Văn Ngọc (2005), “ Nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ và thị trường để nâng cao chất lượng chè xuất khẩu”, Chương trình ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm xuất khẩu và sản phẩm chủ lực, Báo cáo tổng kết Khoa học Kỹ thuật, Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn , Mã số KC. 06.
  4. Đặng Văn Minh (2005), “ Tính chất lý học của đất trồng chè lâu năm”, Tạp chí khoa học đất (23), tr. 11 – 14.
  5. Đặng Văn Minh (2003), “ Nghiên cứu một số ảnh hưởng của đất trồng chè lâu năm tới một số tính chất lý hóa học đất”, Tạp chí khoa học đất (19), tr. 48 – 52.
  6. Đặng Văn Minh (2005), “Sự thay đổi các bon hữu cơ và nitơ trong đất trồng chè”, Tạp chí khoa học đất (22), tr.6-9.
  7. Bùi Thị Ngọc Dung (2012), Nghiên cứu đánh giá tiềm năng đất đai cho phát triển cây chè chất lượng cao ở tỉnh Lâm Đồng, Đề tài cấp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
  8. Nguyễn Thị Ngọc Bình (2009), Nghiên cứu chuyển giao công nghệ kỹ thuật chế biến phân hữu cơ vi sinh từ chế phụ phẩm nông nghiệp phục vụ sản xuất chè an toàn, Viện nghiên cứu Nông lâm nghiệp Miền núi phía Bắc, Đề tài cấp bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
  9. Trần Thị Tuyết Thu, Nguyễn Viết Hiệp, Nguyễn Minh Hưng, Nguyễn Văn Tuyến (2011), “ Nghiên cứu mối quan hệ của một số chỉ tiêu sinh hóa, lý hóa trong đánh giá chất lượng đất trồng chè Tân Cương, Thái Nguyên”, Tạp chí Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội (5S), tr. 234 – 240.
  10. Trần Thị Tuyết Thu, Nguyễn Xuân Cự, Nguyễn Phương Hồng (2012), “ Ảnh hưởng của mức độ thâm canh khác nhau đến một số tính chất đất và năng suất chè ở Tân Cương, Thái Nguyên”, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (22), tr. 56 -61.

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *