Mô hình SALT cho canh tác nông nghiệp trên đất dốc

5/5 – (1 vote)

Kỹ thuật canh tác nông nghiệp trên đất dốc (SALT) là hệ sinh thái canh tác nhằm sử dụng đất dốc được bền vững đã được Trung tâm đời sống nông thôn Minđanao (Philipin) tổng kết, hoàn thiện và phát triển từ năm 1970, đã có một số mô hình tổng hợp về kỹ thuật canh tác nông nghiệp đất dốc bền vững được ghi nhận và ứng dụng tại Việt Nam:
+ Mô hình SALT 1: Mô hình này bố trí trồng những băng cây ngắn ngày xen kẽ với những băng cây dài ngày sao cho phù hợp với đặc tính và yêu cầu đất đai của các loài cây đó và đảm bảo thu hoạch đều đặn. Các băng này được trồng theo đường đồng mức, giữa những băng cây trồng chính rộng từ 4-6m còn có những băng hẹp trồng cây cố định đạm để giữ đất chống xói mòn, làm phân xanh hoặc lấy gỗ. Cây cố định đạm được trồng dày theo hàng đôi, khi cây cao 1m thì cắt bớt cành, lá xếp vào gốc. Cơ cấu cây trồng trong mô hình thường là 75% cây nông nghiệp, 25% cây lâm nghiệp (trong cây nông nghiệp thì 50% là cây hàng năm, 25% là cây lâu năm). Đây là mô hình canh tác đất dốc đơn giản, người nông dân có thể thu nhập cao hơn gấp 1,5 lần so với cách trồng sắn thông thường. Kỹ thuật này làm giảm xói mòn 50% so với hệ thống canh tác vùng cao theo tập quán.
+ Mô hình SALT 2- Mô hình kỹ thuật nông súc kết hợp đơn giản: ở mô hình này người ta bố trí trồng trọt kết hợp với chăn nuôi bằng cách dành một phần đất trong mô hình để canh tác nông nghiệp cho chăn nuôi. Việc sử dụng đất dốc được thực hiện theo phương thức nông-lâm-súc kết hợp. ở Philipin người ta thường nuôi dê để lấy thịt, sữa. Một phần diện tích khác được dành để trồng cỏ và cây làm thức ăn cho dê.
+ Mô hình SALT 3 – Mô hình kỹ thuật canh tác nông- lâm kết hợp bền vững: Mô hình kỹ thuật canh tác này kết hợp một cách tổng hợp việc trồng rừng qui mô nhỏ với việc sản xuất lương thực, thực phẩm. Cơ cấu sử dụng đất thích hợp là 40% danh cho nông nghiệp và 60% cho lâm nghiệp. Bằng cách đó đất đai được bảo vệ có hiệu quả đồng thời cung cấp được nhiều lương thực, thực phẩm, gỗ củi và các sản phẩm khác, tăng thu nhập cho nông dân. Thực chất mô hình này cũng là sự điều hoà phối hợp và mở rộng qui hoạch hợp lý các mô hình trên nhưng có sợ chú trọng đặc biệt tới phát triển rừng. Mô hình này có thể mở rộng cho một hộ có quĩ đất đai tương đối rộng (khoảng 5-10ha) trên nhiều dạng địa hình, hay qui mô lớn hơn cho một nhóm hộ.
+ Mô hình SALT 4 – Mô hình kỹ thuật canh tác nông nghiệp – cây ăn quả qui mô nhỏ. Trong mô hình này các loài cây ăn quả nhiệt đới được đặc biệt chú ý do sản phẩm của nó có thể bán để thu tiền mặt và cũng là những cây lâu năm nên dễ dàng duy trì được sự ổn định và lâu bền hơn về môi trường sinh thái so với cây hàng năm. Đối với cây ăn quả yêu cầu đất đai phải tốt hơn, có đầu tư thâm canh cao hơn (về biện pháp làm đất, bón phân, chọn giống). Do đó, giúp nông dân hiểu biết hơn về khoa học và kỹ thuật. Mô hình này có ý nghĩa lớn, ngoài lương thực, thực phẩm thu được còn có sản phẩm của cây cố định đạm chống xói mòn, cải tạo đất, đặc biệt là có thêm sản phẩm hàng hoá, hoa quả bán thu tiền mặt, mua sắm thêm các vật dụng cần thiết khác.
Hiện nay đã phát triển một số mô hình cải biên từ các loại mô hình SALT như:
1) Rừng + Nương + Vườn + Ruộng + Mặt nước
2) Rừng + Nương + Vườn + Ruộng
3) Rừng + Nương + Vườn
Trong đó mô hình thứ nhất hoàn thiện hơn cả vì có rừng bố trí ở đỉnh dốc hoặc sườn núi dốc rất mạnh. Nương ở sườn dốc vừa, dốc mạnh, vườn có thể đặt tại chân dốc hoặc nơi dốc nhẹ, ruộng làm tại nơi thấp bằng và mặt nước ao hồ ở nơi thấp trũng nhất. Mô hình 2 cũng như mô hình 1 nhưng thiếu mặt nước nên không hoàn thiện bằng. Tuy nhiên tính phổ biến lại cao hơn và nhiều nơi có thể sử dụng. Mô hình 3 không có ao hồ và đồng ruộng nhưng lại là mô hình cơ bản nhất do có tính phổ biển cao. Vì vậy đây cũng là mô hình mà hộ nào cũng có thể áp dụng được.

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *