Tác động môi trường từ hoạt động của bệnh viện

5/5 – (2 votes)

1. Tác động của nước thải tới môi trường
1.1. Nguồn thải
Nước thải của bệnh viện chủ yếu phát sinh từ các nguồn sau:
– Nước thải từ các khoa phòng bao gồm cả nước thải sinh ra trong quá trình khám chữa bệnh: dòng thải từ nước sàn, lavabo của các khu xét nghiệm và X quang, phòng cấp cứu, khu bào chế dược phẩm, phòng sản, phẫu thuật, phòng thủ thuật,…
– Nước thải sinh hoạt của các cán bộ công nhân viên, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và khách vãng lai: các dòng thải từ nước sàn, lavabo và bể phốt của các khu điều trị, văn phòng, khu hành chính, nhà bếp, nhà ăn,…
Nước thải từ 2 nguồn trên có chứa các chất hữu cơ, chất rắn lơ lửng, chất tẩy rửa, các hoá chất mang tính dược liệu và đặc biệt là các vi trùng gây bệnh.
– Nước thải bề mặt: chủ yếu là nước mưa chảy tràn cuốn theo rác, đất đá và các chất lơ lửng khác.
1.2. Tác động
Nước thải bệnh viện  có hàm lượng chất rắn lơ lửng lớn, độ hoà tan ôxy thấp, hàm lượng các chất hữu cơ cao (đặc trưng bởi COD, BOD) và đặc biệt là chứa nhiều vi sinh vật nhất là sinh vật gây bệnh truyền nhiễm. Các tác động của chúng:
– Chất rắn lơ lửng: nước thải bệnh viện có hàm lượng chất rắn lơ lửng cao, làm nước biến màu và mất ôxy, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng nguồn nước tiếp nhận, ảnh hưởng đến hệ sinh thái thuỷ vực của nguồn nước tiếp nhận.
– Hàm lượng ôxy hoà tan (DO): hàm lượng ôxy hoà tan trong nước là một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất của nước vì ôxy không thể thiếu được đối với tất cả các sinh vật sống trên cạn cũng như sống dưới nước. Ôxy duy trì quá trình trao đổi chất, sinh ra năng lượng cho sự sinh trưởng, sinh sản và tái sản xuất. Đối với nước thải bệnh viện, trong thành phần nước thải có chứa nhiều các hoá chất, hợp chất mà quá trình ôxy hoá chúng sẽ làm giảm nồng độ ôxy hoà tan trong nguồn nước tiếp nhận, dẫn đến đe doạ sự sống của loài cá cũng như sinh vật sống trong nước.
– Nhu cầu ôxy hoá học (COD): là lượng ôxy cần thiết để ôxy hoá hoàn toàn các hợp chất hữu cơ có trong nước thải. Nhu cầu ôxy sinh hoá (BOD) là lượng ôxy vi sinh vật đã sử dụng trong quá trình ôxy hoá các hợp chất hữu cơ. Hai chỉ số này dùng để đánh giá mức độ ô nhiễm của nguồn nước. Giá trị BOD và COD của nước thải bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên là tương đối cao, phản ánh mức độ ô nhiễm hữu cơ của nước thải lớn, điều này dẫn đến việc làm giảm lượng ôxy hoà tan trong nước, tác động một cách tiêu cực trực tiếp đến đời sống của các sinh vật trong nước.
– Đối với nước thải bệnh viện là chứa nhiều vi sinh vật, nhất là vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm. Do vậy, nếu công tác vệ sinh, khử trùng không được tốt, các vi trùng, vi sinh vật gây bệnh sẽ được xả ra thuỷ vực tiếp nhận, làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khoẻ cộng đồng. Nước là một phương tiện lan truyền các nguồn bệnh, quá trình lan truyền có thể qua côn trùng trung gian, qua thực phẩm và qua sử dụng nước bị nhiễm bẩn, qua người sang người.
– Ngoài ra, trong nước thải bệnh viện còn có chứa các hợp chất hữu cơ, một số kim loại nặng với hàm lượng nhỏ,…mà độc tính của nó không thể nhận biết ra ngay. Các chất này tích tụ trong chuỗi thức ăn của hệ sinh thái và có thể gây ra nhiễm độc ở người (với nồng độ lớn) khi con người là sinh vật cuối cùng trong chuỗi thức ăn đó.
4.1.3. Lưu lượng và đặc tính của nước thải
– Lưu lượng: lượng nước thải của bệnh viện có thể được tính toán dựa trên lượng nước cấp sử dụng hàng ngày và các số liệu tính toán theo công thức thực nghiệm. Theo kinh nghiệm của các chuyên gia trong và ngoài nước, nếu lượng giường bệnh là N thì lưu lượng người tối đa trong bệnh viện sẽ là 4N (kể cả người nhà bệnh nhân, cán bộ y tế, khách vãng lai…) và lượng nước thải phát sinh là 600N (tức là 0,6 m3/ngày đêm), trung bình mức sử dụng 150 lít/người.ngàyđêm (tức 0,15 m3/người.ngày đêm). Với số giường bệnh hiện tại là 560 giường, lượng nước thải tại bệnh viện trong một ngày sẽ là:
0,6 m3/ngày đêm x 560 giường bệnh = 336 m3/ngày đêm
So sánh thực tế với lượng nước cấp hàng ngày của bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên là khoảng 350 – 400 m3/ngày đêm nhận thấy rằng lượng nước thải tính toán cần xử lý là 336 m3/ngày đêm là hoàn toàn hợp lý.
– Đặc tính của nước thải: qua tham khảo về tính chất, đặc tính, thành phần của nước thải ở một số bệnh viện ở Việt Nam, dựa trên kết quả phân tích thực tế nước thải của bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, thành phần đặc tính của nước thải bệnh viện thải ra môi trường như sau:
Bảng 4.1. Đặc tính nước thải của bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên thải ra môi trường

2015-11-03_233128
Từ kết quả ở bảng 4.1 và kết quả phân tích ở phần hiện trạng môi trường (bảng 3.9 ) nhận thấy rằng nồng độ một số thành phần phân tích: NH4+, BOD5, COD, coliform,…có giá trị vượt tiêu chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường (so sánh với TCVN 5945:1995 và TCVN 6772:2000) gây ra những tác động tiêu cực đối với môi trường thuỷ sinh của nguồn tiếp nhận, tạo ra nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Nguyên nhân do:
– Tại khoa U bướu hạt nhân, một lượng nước thải không được thu gom về trạm xử lý (nguồn không liên tục từ bể xạ, 10 m3/tuần) mà thải trực tiếp ra mương thoát nước của thành phố với một số thành phần chỉ tiêu vượt rất nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép (xem phụ lục kết quả phân tích) gây hậu quả xấu tới môi trường.
– Tại khoa Nội cũng có một lượng nước thải không được thu gom về trạm xử lý mà thải trực tiếp ra mương thoát nước thành phố với nhiều chỉ tiêu vượt tiêu chuẩn cho phép.
– Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên luôn chứa một lượng lớn bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân, cán bộ công nhân viên, nhu cầu vệ sinh, nước thải sinh hoạt là rất lớn, tuy nhiên do hệ thống bể phốt, các khu vệ sinh được xây dựng từ lâu dẫn đến quá tải, không đảm bảo vệ sinh.
– Hệ thống đường ống thoát nước, các hố ga, tấm đậy xuống cấp nghiêm trọng.
– Hiệu quả vận hành của hệ thống xử lý nước thải không cao (dây chuyền khuấy nước quá cũ nát không phù hợp, thiết bị khử trùng hoạt động không hiệu quả ).

4.2. Tác động của chất thải rắn tới môi trường
4.2.1. Nguồn gốc chất thải rắn
Rác thải tại bệnh viện được phát sinh từ các hoạt động khám chữa bệnh, sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân, người thân phục vụ, cán bộ y tế. Nhìn chung, rác thải bệnh viện thường phát sinh từ những nguồn chủ yếu sau:
* Các chất thải phát sinh từ các hoạt động chuyên môn, từ các quá trình khám chữa bệnh:
– Các chất thải nhiễm khuẩn bao gồm: những vật liệu thấm máu, thấm dịch và các chất bài tiết của người bệnh, như băng, gạc, bông, gang tay, tạp dề, áo choàng, bột bó, đồ vải, các túi hậu môn nhân tạo, dây truyền máu, các ống thông, dây và túi dung dịch dẫn lưu,…
– Tất cả các vật sắc nhọn, bao gồm bơm tiêm, kim tiêm, lưỡi và dao cán mổ, cưa, các ống tiêm, mảnh thuỷ tinh vỡ và mọi vật liệu có thể gây ra các vết cắt hoặc chọc thủng, cho dù chúng có thể bị nhiễm khuẩn hoặc không.
– Các chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao, phát sinh từ các phòng thí nghiệm, bao gồm: găng tay, lam kính, ống nghiệm, bệnh phẩm sau khi sinh thiết, xét nghiệm, nuôi cấy, túi PE đựng máu,…
– Chất thải dược phẩm, bao gồm: dược phẩm quá hạn, dược phẩm bị nhiễm khuẩn, dược phẩm bị đổ, dược phẩm không còn nhu cầu sử dụng, thuốc gây độc tế bào.
– Các mô và cơ quan người – động vật, bao gồm tất cả các mô cơ thể (dù nhiễm khuẩn hay không), các cơ quan, chân tay, rau thai, bào thai, xác súc vật,…
– Các chất thải phóng xạ phát sinh từ các hoạt động chẩn đoán, hoá trị liệu và nghiên cứu, bao gồm đủ các thể loại như trên với những mức phóng xạ khác nhau.
– Các chất thải hoá học nguy hại: formaldehyde (được sử dụng trong khoa giải phẫu bệnh, lọc máu, ướp xác và bảo quản các mẫu xét nghiệm), các hoá chất quang hoá học (có trong các dung dịch dùng cố định và tráng phim), các chất hoá học hỗn hợp (các dung dịch làm sạch và khử khuẩn như phenol, dầu mỡ, các dung môi làm vệ sinh,…),…
* Các chất thải sinh hoạt của bệnh nhân, thân nhân, các cán bộ y tế tại bệnh viện: giấy vụn, vỏ đồ hộp, thức ăn thừa, rau, vỏ trái cây,…
* Các chất thải từ hoạt động chung của bệnh viện như lá cây, giấy loại,…
Trong số các loại chất thải rắn trên thì chất thải phát sinh từ các hoạt động chuyên môn được coi là rác thải y tế độc hại, nói gọn lại là “rác thải y tế”, thường chiếm 10% tổng lượng rác thải bệnh viện
4.2.2. Tác động
Rác thải bệnh viện nói chung và rác thải y tế nói riêng khi thải vào môi trường mà không được thu gom xử lý thích hợp sẽ gây ra nhiều tác hại cho môi trường sống, đặc biệt là rác thải y tế độc hại. Khi thải vào môi trường, các chất thải này sẽ phân huỷ hoặc không phân huỷ làm gia tăng nống độ các chất dinh dưỡng, tạo ra các hợp chất vô cơ, hữu cơ độc hại,…làm ô nhiễm nguồn nước, đất, gây hại cho hệ vi sinh vật đất, các sinh vật thuỷ sinh, tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại, ruồi muỗi phát triển, là nguyên nhân gây ra các dịch bệnh, nguy cơ gây ra lây lan, lan truyền các loại dịch bệnh.
4.2.3. Lượng thải và thành phần
– Lượng thải
Lượng rác thải phát sinh trong bệnh viện tỷ lệ thuận với số giường bệnh trong bệnh viện và có thể được tính theo kết quả khảo sát thực tế, kinh nghiệm và các công thức thực nghiệm. Với số giường bệnh là N thì lượng người trong bệnh viện là 4N, với trung bình mỗi người thải ra khoảng 0,75 kg/ngày đêm thì lượng rác thải hàng ngày là 3N kg/ngày đêm.
Với số giường bệnh là 560 giường thì lượng rác thải của bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên là:
560 giường x 3 kg/giường. ngày đêm = 1680 kg/ngày đêm tương đương với 5,6 m3/ngày đêm (tỷ trọng của rác là 300 kg/m3)
Trong đó lượng rác thải y tế chiếm 10% lượng rác bệnh viện, tức là khoảng 168 kg/ngày đêm tương đương với 0,56 m3/ngày đêm.
– Thành phần rác thải bệnh viện
Thành phần của rác thải bình thường (chất thải sinh hoạt của bệnh nhân, thân nhân, các cán bộ y tế tại bệnh viện,… ):
Bảng 4.2. Thành phần rác thải sinh hoạt bình thường của bệnh viện

2015-11-03_233248

Thành phần của rác thải y tế (các chất thải phát sinh từ các hoạt động chuyên môn, từ các quá trình khám chữa bệnh):
Bảng 4.3. Thành phần rác thải y tế

2015-11-03_233346

4.3. Tác động tới môi trường không khí
Môi trường không khí trong bệnh viện có thể bị ô nhiễm do các nguyên nhân sau:
– Chất thải rắn được tập trung nhưng chưa được bảo quản tốt nên vẫn gây ô nhiễm không khí xung quanh, gây mùi nặng nề khi chưa vận chuyển đi.
– Chất thải lỏng sau khi được xử lý đổ ra ao, do quá trình bay hơi gây nên mùi khó chịu cho môi trường xung quanh.
– Sự phát tán vi khuẩn gây bệnh trong không khí, đặc biệt từ các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp.
– Một số xét nghiệm độc chất, phòng chiếu xạ Cobalt, X quang tạo ra một lượng ít khí độc hại, dioxin thải vào khu vực bệnh viện.
– Khí thải của các phương tiện giao thông vận tải: các phương tiện chuyên chở bệnh nhân ra vào bệnh viện sẽ sinh ra một lượng khí thải với các thành phần là bụi, SO2, NO2, Pb,…
Ô nhiễm tiếng ồn: đây không phải là vần đề đáng quan tâm của bệnh viện, nguồn phát sinh tiếng ồn chủ yếu từ các phương tiện vận chuyển ra vào đưa đón bệnh nhân, từ trạm xử lý nước thải.
Ô nhiễm bụi: hệ thống đường giao thông trong bệnh viện nhìn chung là rất kém chất lượng, chính vì vậy, khí có gió, xe cộ đi lại,…phát sinh một lượng bụi phát tán vào môi trường không khí.
4.4. Các tác động khác đến môi trường (các sự cố môi trường)
– Sự cố cháy nổ:
Sự cố cháy nổ khi xẩy ra có thể dẫn tới các thiệt hại lớn về kinh tế xã hội và làm ô nhiễm cả ba hệ thống sinh thái nước, đất và không khí một cách nghiêm trọng. Hơn nữa nó còn ảnh hưởng tới tính mạng của con người, tài sản người dân trong khu vực. Các vật liệu tại các buồng bệnh, phòng làm việc, kho tàng… đều tương đối dễ cháy, dễ bắt lửa như vải (quần áo, chăn màn, tã lót…), giấy…
– Sự cố rò rỉ:
Sự cố rò rỉ nguyên nhiên liệu dạng lỏng hoặc dạng khí khi xảy ra sẽ gây những tác hại lớn như gây độc cho con người, gây cháy nổ,… Các sự cố này có thể dẫn tới thiệt hại rất lớn về kinh tế xã hội cũng như đối với các hệ sinh thái trong khu vực và các vùng xung quanh. Các vật thể có khả năng bị rò rỉ trong bệnh viện là các bom khí oxy, bình khí đốt, thiết bị chứa hoá chất lỏng,…
– Sự cố ô nhiễm phóng xạ:
Tại các phòng xét nghiệm độc chất, phòng chiếu xạ Cobalt, phòng X quang,…có sử dụng ảnh hưởng của chất phóng xạ với mục đích nghiên cứu, điều trị nếu như không áp dụng những biện pháp bảo vệ thích hợp thì có thể gây tổn thương cho các cơ quan của cơ thể. Mức độ tổn thương phụ thuộc vào nhiều yếu tố: lượng chất tiếp xúc với cơ thể, thời gian bán phân huỷ, loại tia, mức năng lượng của tia phát sáng,…
4.5. Tác động đến hệ sinh thái
Vấn đề chủ yếu là tác động đến hệ sinh thái thuỷ sinh đối với nguồn nước tiếp nhận nước thải bệnh viện nếu việc xử lý nước thải bệnh viện không được quan tâm.
4.6. Tác động đến kinh tế xã hội khu vực
Hoạt động của bệnh viện góp phần bảo vệ chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, với cơ sở thiết bị khám chữa bệnh hiện đại, bệnh viện đã chăm sóc, cứu chữa được nhiều người bệnh, sớm trả lại cho cộng đồng những thành viên khoẻ mạnh.
Là một bệnh viện lớn, nơi luôn chứa một lượng lớn bệnh nhân cũng như người thân, tạo lên sự gia tăng tập trung dân số ở khu vực có thể tạo lên sự bất ổn định về an ninh trật tự xã hội và tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân địa phương.

………………………………………………………………………………………………….

Nguồn: Báo cáo đánh giá tác động môi trường – Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, 2004

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *